T.S Trần Tiến Khai- chuyên gia Fulbright cho rằng quá trình hội nhập đang thúc ép các doanh nghiệp đi theo chuỗi giá trị toàn cầu.
Giá thịt lợn, bò đắt hơn cả Mỹ, Úc, "cửa" nào cho nông nghiệp Việt Nam thời hội nhập?
- Cập nhật : 21/11/2015
(Kinh te)
Giá thành sản xuất thịt bò ở Việt Nam hiện đang ở mức 200.000 đồng/kg, đắt hơn cả thịt bò Úc dù chất lượng không bằng. Theo tính toán, chi phí sản xuất thịt lợn của Việt Nam đang cao hơn cả thịt lợn Mỹ, chi phí sản xuất gà cao hơn gà Malaysia, Chile… - những nước thành viên trong TPP.
Với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác, việc loại bỏ hàng rào thuế quan sẽ đem lại thách thức lớn cho sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Hội Chăn nuôi Việt Nam dự báo: Khi xóa bỏ thuế quan, các mặt hàng chăn nuôi có khả năng nhập nhiều vào Việt Nam từ các nước đối tác FTA là:
- Thịt bò đông lạnh: từ Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, New Zealand
- Bò thịt sống: từ Úc, Thái Lan
- Sữa và sản phẩm sữa: từ Úc, New Zealand
- Thịt lợn đông lạnh: từ Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch
- Thịt gà đông lạnh và phụ phẩm: từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan.
“Thách thức số 1 của ngành chăn nuôi là năng suất vật nuôi thấp, năng suất lao động thấp, dẫn đến giá thành cao. So với các nước TPP, giá thành một số sản phẩm cao hơn tới 50%”, TS. Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi cho biết.
Theo điều tra của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành 1kg thịt (carcass) bò Úc (nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ) sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, phí kiểm dịch, nuôi tân đáo, phí giết mổ, lãi vay ngân hàng… là khoảng 170.000 đồng – 180.000đồng/kg.
Trong khi đó, bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000 đồng/kg, nhưng chất lượng thịt lại không bằng thịt bò Úc.
Với các loại thịt lợn, bò, gà công nghiệp, giá thành sản xuất/1kg của Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Một vấn đề nữa của nông nghiệp Việt Nam là vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Nga muốn sang mua lợn Việt Nam nhưng vì dịch bệnh nhiều nên đã chuyển sang mua lợn của Thái Lan”, ông Trúc kể. Nếu không cạnh tranh nổi về giá và mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm, việc thịt ngoại tràn vào là đương nhiên.
Với TPP, ngành chăn nuôi có “thất trận”?
Theo Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, TPP cam kết xoá bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam. Ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm (kể từ 2015) để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi mới thực sự tác động.
Đây là CƠ HỘI VÀNG về thời gian để ngành chăn nuôi đẩy nhanh tái cơ cấu, nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và hạ giá thành các sản phẩm thịt, trứng, sữa; kể cảc sản phẩm có lợi thế như giống đặc sản, giống bản địa, lợn cắp nách, gà đồi, vịt chạy đồng…cũng phải giảm giá thành, kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, một vấn đề luẩn quẩn trong phát triển nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng là các chính sách hỗ trợ.
“Nhiều khẩu hiệu, các chuyên gia kinh tế và cả những quan chức cao cấp đều cho rằng phải tăng cường sức mạnh của doanh nghiệp nội, chú trọng khu vực nông nghiệp và đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, nhưng đáng tiếc là cho đến nay điều này vẫn chỉ trong lời nói hoặc trên giấy mà chưa thực sự đi vào nền kinh tế”, chuyên gia thống kê Bùi Trinh cho biết.
Ông Trinh lấy ví dụ từ chính sách thuế: Theo Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, cần phân biệt hai loại hình: loại phải chịu thuế giá trị gia tăng nhưng có thuế suất là 0% và loại không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Hai loại này tuy có chung đặc điểm là doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT; nhưng loại hình thứ hai (áp dụng với một số ngành làm đầu vào của nông nghiệp) sẽ không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, trong khi sản phẩm của các ngành này bao gồm rất nhiều các loại thuế nằm lẫn trong chi phí đầu vào.
Vì vậy, doanh nghiệp các ngành trong danh sách này thậm chí còn thiệt thòi hơn cả khi phải chịu một mức thuế suất nào đó. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp ấy không thể giảm giá bán và những ngành sử dụng sản phẩm của những ngành này làm chi phí đầu vào cũng không được hưởng lợi gì từ chính sách hỗ trợ nửa vời như vậy.
Phía thiệt thòi vẫn là người nông dân và các doanh nghiệp nội.
Ngoài ra, theo ông Trinh, lãi suất ngân hàng, tham nhũng vặt, giá điện xăng luôn tăng cũng khiến giá thành của các sản phẩm là chi phí đầu vào của nhóm ngành nông nghiệp không thể giảm, từ đó khiến giá thành sản xuất của nhóm ngành nông nghiệp không thể giảm trong khi giá bán lại không thể tăng.
Vậy, làm sao để các doanh nghiệp nội “đấu” được với doanh nghiệp ngoại trên mặt trận chăn nuôi khi TPP chỉ còn 2 - 3 năm nữa sẽ có hiệu lực?
Góp phần giải đáp câu hỏi này, ngày 21/11/2015 tại Khách sạn Rex, Tp. Hồ Chí Minh, Kênh thông tin Kinh tế Tài chính CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề Đầu tư Nông nghiệp thời TPP.
Để biết thêm thông tin và tham dự chương trình, quý nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đăng ký với Ban tổ chức tại: http://event.cafef.vn/ .