Đáp chuyến bay tới Hà Nội, đứng ngoài sân bay Nội Bài, tôi lấy smartphone ra, mở ứng dụng gọi xe Uber tìm kiếm một chiếc UberX, để rồi ngạc nhiên trước lời đề nghị của tài xế: “Hủy lệnh đi, anh vẫn lấy của em bằng với giá Uber thôi”.
Đừng để bị ‘dắt mũi’ khi hội nhập
- Cập nhật : 24/11/2015
(Kinh te)
Sáng 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận hội trường về việc phê chuẩn nghị định thư, sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Các đại biểu (ĐB) QH cho rằng nếu Việt Nam không triển khai ngay các hành động cụ thể để hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thiết lập hàng rào kỹ thuật thì sản xuất trong nước sẽ bị bóp chết.
ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nói: “Hàng rào kỹ thuật rất yếu. Tức là chúng ta chỉ biết tuân theo những gì quốc tế đưa ra, còn hàng rào kỹ thuật của chúng ta rất kém nhưng không thấy ai lo việc này”. ĐB Tiên cho rằng trong lĩnh vực này các bộ làm rất khác nhau, trong đó có những bộ chủ yếu tuân theo các quy định của nước ngoài, không đưa ra hàng rào kỹ thuật, điển hình là Bộ Y tế.
“Báo cáo các đại biểu, cách đây 10 năm chúng ta có hàng rào kỹ thuật về một hóa chất chúng ta chỉ được sử dụng bao nhiêu loại thuốc nhưng 10 năm trở lại đây Bộ Y tế bỏ hàng rào kỹ thuật đó. Một hóa chất paracetamol có 600 loại thuốc đăng ký cho nên nó làm hỗn loạn thị trường” - ĐB Tiên dẫn chứng. “Tới đây, chúng ta gia nhập FTA, TPP rất lớn nhưng không ai lo vấn đề này thì có nghĩa chúng ta bị nước ngoài dắt mũi rất lớn và chúng ta không bảo vệ được thị trường trong nước... Nếu chỉ đi theo nước ngoài thì một lần nữa chúng ta tiếp tục “khôn nhà dại chợ”” - ông nhấn mạnh.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đưa ra nhìn nhận: “Bất công của WTO chính là rào cản kỹ thuật. Vì ở các nước điều kiện của họ rất cao, hàng hóa của mình vào cực kỳ khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải làm. Con tôm hay con cá của mình xuất sang bên kia dư lượng kháng sinh bị cấm chỉ có không phẩy không mấy phần tỉ, vì máy của họ chỉ đo được như thế. Rào cản của người ta như thế mà rào cản của mình không có gì cả”.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lưu ý nếu lập hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước cũng phải đạt được các tiêu chuẩn này, nếu không Việt Nam sẽ vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia, một trong những nguyên tắc quan trọng của WTO. “Nếu ta đặt hàng rào kỹ thuật mà chỉ áp dụng cho nhập khẩu, sản xuất trong nước không áp dụng thì chúng ta bị kiện ngay ở WTO” - ĐB Trần Du Lịch nói.
Tuy nhiên, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO có nghĩa là khi người ta đầu tư vào đây thì mình phải đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước của mình. Nguyên tắc đó không nằm ở chỗ dựng hàng rào kỹ thuật với các tiêu chuẩn khắt khe cho hàng hóa nước ngoài khi nhập vào thị trường Việt Nam. Có nghĩa là hàng hóa trong nước dù chưa đáp ứng được nhưng “khi anh vào nước tôi, tôi được quyền áp dụng hàng rào kỹ thuật, vì vệ sinh môi trường, vì an toàn, vì lợi ích, sức khỏe của người dân nước tôi… Điều này là không vi phạm” - ông Nghĩa lý giải.
“10 năm nay chúng ta đã kêu gọi rất nhiều nhưng công tác này (thiết lập hàng rào kỹ thuật) còn hết sức yếu kém. Làm cho khi hội nhập thì nhân dân chúng ta phải chấp nhận những hàng hóa rẻ tiền, hàng hóa ô nhiễm vô số kể, đặc biệt là con đường tiểu ngạch” - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Nông dân sẽ bị tổn thương nhất
“Nước ta có 25 triệu lao động đang làm trên lĩnh vực nông nghiệp, đang chờ đợi những chính sách trực tiếp và cụ thể của Chính phủ. Đây là lĩnh vực đang bị tổn thương và chắc chắn sẽ bị tổn thương khi chúng ta hội nhập sâu rộng” - ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói. Ông phân tích WTO, FTA, AEC, TPP là quá phức tạp đối với nông dân, mặc dù họ đã cố gắng để hội nhập. Hiện họ mới chỉ biết tiểu thương, mua cái gì, giá là bao nhiêu và cũng không cần biết hàng hóa đó đi đâu, bán cho ai và giá cả như thế nào. Theo đó ĐB Ngân đề nghị cần phải có chương trình, hành động cụ thể để giúp nông dân “trụ vững” trong cơn bão hội nhập.