Cùng giống chanh, nhưng do có vị ngọt nên chanh rừng Mẫu Sơn (Lạng Sơn) rất được người miền xuôi ưa chuộng, mua về ngâm chữa trị ho hoặc làm gia vị.
“Vàng trắng” Tây Nguyên - Liệu có tìm thấy dấu hiệu phục hồi?
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Cao su, mặt hàng từng được mệnh danh là “vàng trắng” vì giá trị kinh tế to lớn mang lại thì nay lại đang khiến người trồng lẫn các Doanh nghiệp xuất khẩu “sống dở chết dở” khi liên tục trượt giá, ế hàng.
Để tìm hiểu cụ thể hơn về tình hình biến động giá thành cao su cũng như tầm ảnh hưởng của việc này đến các công ty cao su tại Tây Nguyên, chúng tôi tìm đến huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai và được biết thêm về những khó khăn thách thức và cả những chặng đường phấn đấu vượt lên khủng hoảng kinh tế, quyết tâm bám trụ với rừng cao su.
Huyện Chư Sê nằm về phía Nam tỉnh Gia Lai, cách TP. Pleiku 38 km, có 2 tuyến quốc lộ 14 và quốc lộ 25 thuận tiện trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các huyện lân cận và các tỉnh Duyên hải miền Trung. Đây cũng được coi là vùng kinh tế động lực trọng điểm của tỉnh Gia Lai. Hiện Chư Sê có trên 8.000 ha trồng cây cao su. Từ vùng đất toàn lau sậy, bom mìn còn sót lại nhiều sau chiến tranh, nhưng từ khi cây cao su bén rễ thì cả huyện Chư Sê nghèo nàn, lạc hậu đã trở nên trù phú…
Ông Nguyễn Quốc Khánh – TGĐ Công Ty Cao su Chư Sê cho biết: Cây cao su được trồng đến đâu thì vùng đất đó như được thay da đổi thịt. Những con đường mới được xây dựng. Những con em nông dân nhất là con em người đồng bào dân tộc thiểu số được tuyển dụng vào làm công nhân. Đây là việc làm mang tính xã hội, nhân văn cao, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thế nhưng trong quá trình triển khai, mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng dự án trồng mới cũng gặp không ít khó khăn. Theo VRG, năm 2014 là một trong những năm khó khăn nhất của ngành cao su trong nước và là một năm chứng kiến giá cao su thấp nhất trong 5 năm qua khi chạm đáy với giá 1.500 đô la Mỹ/tấn. Nguyên nhân là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất với 60% lượng cao su Việt Nam trong nhiều năm qua “ngưng mua” vào. Kết quả, doanh nghiệp trong nước có muốn bán cũng không bán được.
Theo một số doanh nghiệp ngành cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên thì trong năm 2015, tình hình sẽ khó khăn hơn cho việc xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc vì những căng thẳng trên biển Đông đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su sẽ phải tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô khoảng 70% tổng sản lượng cả nước trong nhiều năm tới.
Mặt khác, hiện nay, Việt Nam đã có các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguyên liệu cao su thiên nhiên tương đương với các nước tiên tiến, nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các nhà máy sơ chế, chế biến cao su và nguyên liệu đầu vào nên việc kiểm soát chất lượng khó thực hiện đồng bộ; công nghiệp chế biến thành phẩm cao su còn gặp khó khăn trong cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu không được kiểm soát về giá cả.
|
Đứng trước vô vàn khó khăn trong hoạt động sản xuất cây cao su, để hạn chế thấp nhất tình trạng chặt phá, giảm sức đầu tư cho vườn cây, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã đưa ra nhiều khuyến cáo và có giải pháp giúp doanh nghiệp cũng như bà con có định hướng tốt nhất trước những diễn biến bất lợi như hiện nay…
Tại Đại hội Hiệp hội Cao su Việt Nam lần thứ 4, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết: giá cao su thiên nhiên vẫn ở mức thấp kéo dài trong vài năm tới và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng là những thách thức có thể gây khó khăn cho ngành cao su Việt Nam trong giai đoạn 2015-2017. Theo VRA, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới vẫn ở tình trạng cung vượt cầu, khoảng 300.000-500.000 tấn. Cao su nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm mạnh với những biến động khó dự đoán liên quan đến giá dầu thô, bất ổn chính trị, tỷ giá...
Tình hình chung của ngành cao su trong nước
Theo dự báo của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năm 2015, giá cao su trên thị trường sẽ ở mức 31.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất là 30.000 đồng/kg. Như vậy, trong năm nay, lợi nhuận từ cây cao su sẽ không nhiều, thậm chí là không có.
Trước những thách thức trên, lãnh đạo VRA cho biết sẽ đề nghị các doanh nghiệp sản xuất trong ngành tăng cường liên kết, phối hợp với các công ty chế biến, sử dụng cao su nguyên liệu; đồng thời, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng cao su để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, Hiệp hội cũng đang kiến nghị với Bộ Tài chính không thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng VAT đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su. Việc kê khai thuế này mặc dù sẽ được Nhà nước trả lại, tuy nhiên thời gian hoàn lại khá lâu, ảnh hưởng đến vốn kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
VRA cũng kiến nghị miễn tiền thuê đất khoảng 6-7 năm trong thời kỳ cây cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, sau khi có thành phẩm doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng thuế như quy định...
Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều tín hiệu cho thấy, giá cao su sẽ phục hồi từ năm 2015, kỳ vọng giá cổ phiếu ngành cao su thiên nhiên cũng sẽ tăng trở lại.
Nhu cầu cao su tự nhiên tăng
Những nỗ lực nhằm phục hồi giá cao su của chính phủ các nước trồng cao su trong ngắn hạn có thể gặp khó khăn, do mức giá dầu thô thấp như hiện tại (dầu thô là nguyên liệu để sản xuất cao su nhân tạo - sản phẩm thay thế của cao su tự nhiên). Tuy nhiên, giá dầu thấp cũng sẽ thúc đẩy ngành săm lốp tăng trưởng và làm tăng nhu cầu tiêu thụ cao su, bao gồm cả cao su thiên nhiên.
Cải thiện lợi nhuận bằng cách đa dạng hóa đầu ra
Việt Nam là nước xuất khẩu cao su đứng thứ tư trên thế giới, nhưng lại không có khả năng tác động đến giá bán cao su trên thế giới. Trên thực tế, giá bán cao su tại Việt Nam luôn thấp hơn các nước khác trong khu vực. Một trong những nguyên nhân chính đó là thị trường cao su Việt Nam bị phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, dẫn đến việc bị ép giá và đầu ra không ổn định.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng sản lượng xuất khẩu. Nghịch lý là hầu hết sản phẩm cao su xuất khẩu đều ở dạng nguyên liệu thô, trong khi hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu các sản phẩm cao su chất lượng cao. Giải pháp đặt ra không chỉ cho ngành cao su mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam là cần phải tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực giúp tăng giá trị sản phẩm cao su.
Hiện tại, ngành cao su Việt Nam bước đầu cũng ghi nhận được những cải thiện đáng kể trong xu hướng này. Trong năm 2015, ngành cao su Việt Nam nói chung và cao su khu vực Tây Nguyên nói riêng hy vọng sẽ đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng cao su thành phẩm.