Nhìn lại 2018 có thể thấy đây không là một năm thuận lợi đối với thị trường heo thế giới khi vướng phải hàng loạt vấn đề về dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi cao và sự biến đổi của dòng chảy thương mại dưới tác động từ cuộc tranh chấp giữa Mỹ với các đối tác lớn như Trung Quốc, Mexico hay Canada.
Xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long: Kỳ vọng bứt phá trong năm 2019
- Cập nhật : 11/01/2019
Với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, nhất là hai mặt hàng chủ lực lúa gạo và thủy sản năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá trong xuất khẩu năm 2019 với nhiều thuận lợi từ các Hiệp định thương mại.
Từ những con số biết nói…
Theo đánh giá của ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bức tranh kinh tế và những hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chuyển biến tích cực trong năm 2018 khi nhiều tỉnh như Long An, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… có kim ngạch xuất khẩu rất ấn tượng và hai mặt hàng thế mạnh vốn có của vùng là lúa gạo, thủy sản đều có kim ngạch tăng cao.
Là tỉnh dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của vùng, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An - cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Long An trong năm 2018 đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2017. Trong đó gạo xuất khẩu ước đạt 520.000 tấn trị giá 259 triệu USD, hạt điều 110 triệu USD, thủy sản 210 triệu USD, may mặc 1,2 tỷ USD, giày da 730 triệu USD…
Thống kê của Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2018 của thành phố đạt 2 tỷ USD, tăng 13,14% so với năm 2017. Theo Sở Công thương TP. Cần Thơ, xuất khẩu của địa phương này trong 2018 đã có nhiều khởi sắc. Tình hình giá cả các mặt hàng xuất khẩu tương đối tốt hơn. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự thay đổi tích cực, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu thô, tăng dần ngành hàng nông sản chế biến có giá trị gia tăng cao.
Các tỉnh khác như An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… cũng đạt kết quả xuất khẩu tương đối khả quan. Trong đó Đồng Tháp lần đầu tiên xuất khẩu vươn lên vượt mốc 1,2 tỷ USD. Đóng góp lớn cho xuất khẩu tỉnh này là hai mặt hàng gạo và cá tra.
Với tỉnh An Giang, ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết tỉnh này cũng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 800 triệu USD và hai mặt hàng gạo - thủy sản đã có sự bứt phá ấn tượng khi tăng dần tỷ trọng chế biến sâu với giá trị cao hơn năm 2017.
Lạc quan 2019
Với kết quả tích cực của năm 2018, ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu cho năm 2019 cao hơn. Theo đó, tỉnh Long An dự kiến sẽ đạt kim ngạch 5,9 tỷ USD (tăng khoảng 15,7% so với 2018), TP. Cần Thơ đặt mục tiêu khoảng 2,2 tỷ USD (tăng gần 6,3% so với 2018), tỉnh An Giang cũng dự kiến sẽ đạt trên 900 triệu USD trong 2019.
Ghi nhận thực tế đơn hàng từ các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, tín hiệu xuất khẩu trong 2019 khá lạc quan. Đơn cử với mặt hàng gạo, theo các doanh nghiệp nhu cầu tiêu thụ gạo trong 2019 là rất lớn, tập trung vào các sản phẩm gạo chất lượng cao. Hay mặt hàng cá tra cũng có nhiều khả quan khi các thị trường trọng điểm như EU, Hàn Quốc, Mỹ… tiếp tục có nhu cầu tiêu thụ lớn.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, cùng với việc nhu cầu tăng cao, các thị trường nhập khẩu cũng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là với ngành hàng lương thực, thủy sản.
Để giúp doanh nghiệp nắm bắt được yêu cầu của thị trường, ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đổi mới xuất khẩu cả về cơ cấu ngành hàng đến việc đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm; Hướng đến đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một vài sản phẩm nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro. Đồng thời các sở cũng khẳng định sẽ quyết liệt hơn trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng của năm 2018 như đẩy mạnh gắn kết các doanh nghiệp sản xuất lớn, thông tin cho họ thị trường và rào cản thương mại, giới thiệu hàng hóa của tỉnh với các doanh nghiệp trong vùng…
Nguồn: Báo Công Thương điện tử