Giống gà tưởng chỉ có trong truyền thuyết lại đang được bà con dân tộc Dao ở núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nuôi phổ biến, ban đầu chỉ để ăn, giờ thêm phục vụ du khách.
Trồng kim tiền thảo
- Cập nhật : 29/08/2015
(Tin kinh te)
Sau 3 năm trồng thử nghiệm tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), cây kim tiền thảo cho năng suất 4 tạ/sào, với giá 15.000 đ/kg, nông dân thu 6 triệu đồng.
Chị Tô Thị Kim Hà ở tổ 13, thị trấn Hà Lam ra ruộng từ sáng sớm để cắt kim tiền thảo về phơi khô đem bán. Chị Hà cho biết, gia đình có 4 sào đất màu thường canh tác lạc, vừng…
Từ năm 2012, được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chị ký kết với Cty CP Beegreen (TP.HCM) trồng kim tiền thảo. Phía Cty cam kết cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm.
Theo chị Hà, trồng lạc, vừng cho thu nhập bấp bênh, nhưng từ khi chuyển sang trồng kim tiền thảo, giá trị kinh tế cao hơn. Cây kim tiền thảo sau thu hoạch được xắt nhỏ, phơi khô, Cty sẽ đến thu mua. Trừ chi phí mỗi sào thu lãi 5 triệu đồng.
Ông Võ Đông Hải, tổ trưởng tổ 13, thị trấn Hà Lam trồng 3 sào kim tiền thảo cho biết, từ năm 2012 Cty CP Beegreen ký hợp đồng với 10 hộ của địa phương tham gia trồng thử nghiệm cây dược liệu này trên tổng diện tích 1 ha. Hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, đến nay diện tích kim tiền thảo được mở rộng lên 5 ha với hơn 40 hộ trồng.
Kim tiền thảo là loài cây họ đậu, được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Ở Quảng Nam mới trồng thử nghiệm tại thị trấn Hà Lam. Loại dược liệu này có nhiều công dụng trong y học, nổi bật là dùng để chữa trị các bệnh sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan, viêm thận…
“Kim tiền thảo có thời gian sinh trưởng kéo dài, từ tháng 11 âm lịch xuống giống, cây phát triển đến tháng 8,9 năm sau. Đặc điểm giống cây khoai lang, cứ cắt hết dây thì cây lại đẻ dây khác. Mỗi vụ thu hoạch 2 lần, mỗi lần khoảng 2 tạ/sào, đặc biệt cây kim tiền thảo không bị sâu bệnh gây hại”, ông Hải cho hay.
Theo hạch toán của người dân, trồng kim tiền thảo ổn định về đầu ra, lãi ròng gấp 2 - 3 lần so trồng lạc, vừng…
Tuy nhiên để thu hoạch loại cây này tốn rất nhiều công lao động, vì không thể áp dụng cơ giới hóa. Người nông dân phải tự tay cắt từng dây, sau đó còn trải qua nhiều công đoạn khác trước khi giao sản phẩm cho đối tác.
Ông Nguyễn Thọ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam cho biết, hiện diện tích trồng kim tiền thảo đang được bà con mở rộng nhưng phải phụ thuộc vào nhu cầu của DN. Xã đang tiếp tục tìm đầu ra để phát triển 30 - 40 ha cây trồng này.