Không chỉ làm gia tăng giá trị của các loại hải sản do ngư dân đánh bắt, anh Nguyễn Văn Bình còn góp phần làm nên thương hiệu của du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An) thông qua việc cung cấp những sản phẩm tươi, ngon, vừa túi tiền của du khách.
Thu 400 triệu đồng mỗi tháng từ sản xuất cà phê khép kín
- Cập nhật : 30/08/2015
(Tin kinh te)
Bao năm gắn bó với cây cà phê nhưng kinh tế của gia đình anh Mai Văn Dũng vẫn giậm chân tại chỗ. Do đó, anh đã tìm hướng đi mới bằng việc sản xuất cà phê khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến thành phẩm xuất ra thị trường mang lại lợi nhuận cao.
Thấm thía nỗi cực của người trồng cà phê
Tiếp chung tôi vào một buổi chiều, anh Mai Văn Dũng (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) trong bộ quần áo lao động, mồ hôi nhễ nhãi khi vừa trở về từ rẫy cà phê. Anh Dũng kể, anh cùng gia đình rời quê hương Đồng bằng sông Hồng vào lập nghiệp trên miền đất đỏ cao nguyên Lâm Hà (Lâm Đồng) bằng nghề trồng cà phê hơn 10 năm nay.
Bao tháng ngày vất vả, nắng mưa để chăm sóc cho những cây cà phê trên nương rẫy, nhưng khi thu hoạch thì giá cả thất thường năm được mùa thì mất giá, có năm được giá thì mất mùa. Chưa kể đến có thời điểm giá cà phê thấp kỷ lục, nông dân ôm lỗ nặng lại bị thương lái ép giá.
Anh Dũng chia sẻ: “sản xuất ra được hạt cà phê cực khổ là vậy mà khi bán cà phê thô, lợi nhuận chẳng còn bao nhiêu. Bình quân 1 ha cà phê thu được khoảng 3-4 tấn nhân/năm, nếu trừ chi phí đầu tư, chưa tính công lao động lợi nhuận cũng chỉ được khoảng 40-50 triệu đồng/ha/năm, gần như chỉ lấy công làm lời”.
“Hơn nữa làm cả năm mới có thu hoạch một vụ và giá cả thì lên xuống thất thường không thể đoán trước được. Những gia đình có điều kiện thì khi giá cà phê xuống thấp có thể trữ lại chờ khi giá cáo mới bán. Tuy nhiên đa số nông dân thu nhập chính chỉ trông vào cây cà phê, thường ứng trước tiền phân, tiền công… nên tới vụ thu hoạch xong phải bán ngay để trả nợ vì vậy nên lợi nhuận thường không cao”.
Thu 400 triệu đồng/tháng từ mô hình sản xuất khép kín
Sau nhiều trăn trở, anh Dũng đã mày mò học hỏi, nghiên cứu tìm hiểu thị trường. Cuối cùng anh đưa ra kết luận, chỉ có giá cà phê thành phẩm mới ổn định ít biến động, vì có những lúc giá cà phê thô xuống thấp nhưng cà phê bột vẫn bình ổn.
Nghĩ vậy, anh Dũng đã bắt tay vào tìm hiểu kỹ thuật chế biến cà phê qua sách, báo, mạng internet cộng với kinh nghiệm sẵn có để rang xay, sản xuất cà phê bột sao cho đảm bảo được hương vị tự nhiên, nguyên chất, không sử dụng hóa chất, hương liệu...
Ý tưởng là thế nhưng khi bắt tay vào làm thì không dễ chút nào. Lúc mới chuyển sang rang xay cà phê do không có tiền đầu tư máy móc, anh Dũng phải dùng phương pháp thủ công, sử dụng lò rang hình quả cầu để rang cà phê.
"Trong quá trình rang phải quan sát màu sắc hạt, lượng khói bay lên và mùi vị… khi nào thấy đạt là dừng lại. Do căn bằng cảm tính nên chất lượng cà phê không chuẩn xác được 100%, thậm chí nhiều lúc chậm tay để quá lửa là hỏng cả mẻ cà phê", anh Dũng chia sẻ.
Khó khăn là vậy, nhưng với sự chăm chỉ, cần cù của một anh nông dân chính hiệu, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và tham khảo ý kiến người tiêu dùng nên sản phẩm của anh Dũng ngày càng hoàn thiện hơn.
Khi làm ra sản phẩm rồi nhưng để tìm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định lại là cả một vấn đề. Lại một lần nữa anh nông dân ngược xuôi, trên chiếc xe máy cà tàng, ngày ngày anh đến từng quán tạp hóa, từng quán cà phê… giới thiệu sản phẩm của mình. Có ngày anh đã chạy cả trăm km đến địa bàn Đức Trọng, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc… để chào hàng.
Nhờ vậy, từ chỗ lúc đầu mỗi tháng bán được 30-40kg, dần dần tăng lên đến 1.200- 2.000kg. Thấy sản phẩm của mình bước đầu được khách hàng chấp nhận, tháng 4/2013, anh đã quyết định gom hết vốn liếng của gia đình, vay mượn thêm anh em, họ hàng đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị tự động để thay thế phương pháp sản suất thủ công.
Hiện nay, mỗi tháng gia đình anh xuất ra được trên 3 tấn cà phê bột thành phẩm với giá dao động từ 100-150 ngàn đồng/kg, giúp anh thu về gần 400 triệu đồng.
Khi có đầu ra ổn định với số lượng cao thì ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu do gia đình tự trồng để sản xuất, anh còn thu mua cà phê cho bà con nông dân trong vùng, với số lượng hàng chục tấn cà phê nhân mỗi năm. Ngoài ra, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương .
Nói về dự định trong tương lai, anh Mai Văn Dũng muốn xây dựng một gian nhà trưng bày cà phê ngay trên rẫy cà phê bạt ngàn để thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan thực tế quá trình sản xuất cà phê, vừa giới thiệu sản phẩm cà phê của vùng cao nguyên Lâm Đồng.