Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam phải chứng kiến tốc độ tăng trưởng năng suất đất suy giảm. Điều này cho thấy tín hiệu xấu cho đóng góp của nền nông nghiệp với vai trò như một "bà đỡ" của nền kinh tế.
Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam
- Cập nhật : 29/08/2017
Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, do năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây có xu hướng giảm, nông nghiệp phát triển kém bền vững, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, cần triển khai các giải pháp như: cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương.
Thực tế phát triển doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam
Nghiên cứu đầu năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, cả nước hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ tương đối ít và chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này cũng tương đối hạn chế, chỉ chiếm 2,9% tổng số dự án FDI, chưa đến 1% tổng số vốn của FDI.
Thời gian qua, với chủ trương khuyến khích của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Ba Huân, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc đầu tư tại Bạc Liêu… và bước đầu đã khẳng định hiệu quả. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp gia tăng, trong đó có nhiều DN, tập đoàn lớn như: TH Truemilk, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát…
Quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa tập trung thời gian gần đây cũng đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp như sữa, thủy sản, chăn nuôi đã “tiệm cận” công nghệ hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn rất khiêm tốn. Tính chung cả nước chỉ có khoảng 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có nhiều nhưng tựu chung là do những nội dung cốt yếu sau:
Thứ nhất, chủ trương tích tụ ruộng đất và chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai khi triển khai còn lúng túng, nhiều vấn đề chưa rõ và chưa được hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, DN không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Khảo sát cho thấy, những DN đầu tư vào nông nghiệp thành công chủ yếu là những DN hợp tác, khai thác sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh.
Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số cách làm trong việc tích tụ ruộng đất cho DN đầu tư như: DN chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng hợp tác với từng hộ nông dân; chính quyền địa phương đứng ra thay mặt các hộ nông dân ký hợp đồng với DN; người dân góp cổ phần vào DN bằng quyền sử dụng đất hay hình thức hợp đồng 3 bên (DN, chính quyền địa phương - người dân).
Mỗi hình thức nêu trên đều có những ưu điểm, hạn chế và những vấn đề tiềm ẩn, khó khăn khi có sự xung đột quyền lợi trong thực hiện hợp đồng. Nguy cơ không thực hiện đúng hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đến từ cả hai phía (cả người dân và DN) luôn hiện hữu, trong khi chế tài theo pháp luật về hợp đồng kinh tế lại chưa thể xử lý triệt để, thỏa đáng để người dân có thể yên tâm nhường quyền sử dụng đất cho DN và DN cũng yên tâm khi đầu tư vào nông nghiệp.
Thứ hai, mức hỗ trợ cho DN nông nghiệp còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư cũng như chưa bảo vệ được DN nông nghiệp Việt Nam trước sức cạnh tranh của DN nước ngoài. Nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mức hỗ trợ nông nghiệp ở nước ta hiện nay chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí, trong khi đó, ở một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc có mức hỗ lên tới 55% - 60%.
Thứ ba, DN, nhất là DN nhỏ và hộ nông dân vẫn còn khó tiếp cận nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư. Theo báo cáo của ngành Ngân hàng, đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn ước đạt 886 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế; gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay ứng dụng công nghệ cao đến nay chỉ đạt 26.000 tỷ đồng…
Như vậy, tỷ lệ tín dụng cho nông nghiệp ở nước ta còn thấp, trong khi dân số, lực lượng lao động, nhu cầu, tiềm năng tài nguyên thiên nhiên trong lĩnh vực này rất lớn.
Thứ tư, thị trường nông nghiệp không ổn định. Hiện nay, đại đa số hộ sản xuất, hợp tác xã, DN nông nghiệp nhỏ và vừa chưa dám dầu tư lớn vào nông nghiệp do chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị của những tập đoàn, DN lớn.
Số liệu thống kê cho thấy, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu Việt Nam hiện mới có khoảng 21%, trong khi Thái Lan là 36%, Malaysia là 45%. Vì vậy, những rủi ro về thị trường, sự phá vỡ hợp đồng giữa DN với nông dân vẫn thường xuyên xảy ra, gây tâm lý sợ hãi không dám đầu tư. Mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân và DN chưa đủ ràng buộc trách nhiệm;
Thứ năm, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Mức độ rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là rất lớn, việc không có cơ chế bảo hiểm, ngân hàng sẽ khó có thể thể mạo hiểm cho DN vay vốn đầu tư…
Giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam
Đối với Nhà nước
Trong bối cảnh mới, khi các chính sách ưu tiên chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển và thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước cần thực hiện toàn diện các chủ trương, giải pháp về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.
Đồng thời, cần có các giải pháp về cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, thực thi các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đủ mạnh và hiệu quả để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể như:
- Điều chỉnh, sửa đổi, ban hành chính sách ưu tiên, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp hiện đại cùng với các loại hình gia trại, trang trại, hợp tác xã có năng lực sản xuất lớn nhưng chưa phát triển thành DN bằng các chính sách bảo hiểm, giảm thuế, phí… ứng dụng công nghệ cao như cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa….
- Xây dựng cơ chế đủ sức bảo vệ lợi ích nông dân, DN, nhà khoa học… khi tham gia hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị.
- Xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm về sản xuất nông sản an toàn, nông sản sạch.
- Ban hành các chế tài đủ sức răn đe, ngăn chặn sự vi phạm pháp luật, quy định trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp, thị trường nông sản nhằm bảo vệ được lợi ích của người sản xuất và tiêu dùng.
- Bố trí nguồn lực đầu tư thích hợp cho nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trong cơ cấu đầu tư chung, tập trung vào yếu tố nền tảng cho phát triển nông nghiệp như: Đào tạo, giáo dục nghề phát triển nguồn nhân lực, giao thông, thông tin, kết nối, thị trường…; Đẩy mạnh quan hệ, hợp tác quốc tế, thông tin thị trường, dự báo, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.
- Nghiên cứu, tổng kết các mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất đã triển khai trong thực tiễn thời gian qua, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của mỗi mô hình làm căn cứ thực tiễn để đề xuất giải pháp tích tụ và tập trung ruộng đất hiệu quả, khả thi, vừa bảo vệ được quyền lợi của nông dân, vừa tạo được sự an tâm của DN trong đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành về đất đai, bao gồm cả luật pháp đến các vấn đề về cơ chế, chính sách theo hướng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận đất đai sản xuất nông nghiệp; Áp dụng chế độ miễn giảm và thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của DN; Cho phép các DN được phép thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng và huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh.
Các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cũng cần chú trọng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhất là trong thu hút đầu tư, đăng ký kinh doanh nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho DN nói chung, DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng, qua đó, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN. Điển hình như:
- Đôn đốc các cơ quan trực thuộc nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan tạo thuận lợi cho DN.
- Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Đề xuất các biện pháp cụ thể hỗ trợ DN nông nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình hỗ trợ khác của Nhà nước để thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Được biết, nhằm hỗ trợ phát triển DN nông nghiệp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên đến nay, sau gần 4 năm triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP, hoạt động đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Vì vậy, cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ để thu hút các DN, đối tác chiến lược mạnh về tài chính, có thị trường ổn định, có công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đối với doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng
Với DN, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng, cùng thắng với nông dân và các bên trong chuỗi giá trị sản xuất (nhà đầu tư, nhà nước và người dân); Tập trung đầu tư các dự án sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
DN cũng cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là công tác dự báo, định hướng thị trường hiệu quả để ngành Nông nghiệp có thể sản xuất những sản phẩm phù hợp với lợi thế đất nước, cũng như góp phần xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu quốc gia vững mạnh. Điều này đòi hỏi các DN phải phát triển theo hướng gắn với hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cách đồng mẫu lớn; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới.
Thời gian gần đây, nông nghiệp công nghệ cao đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều DN, tuy nhiên, muốn làm nên một cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và nâng cao chuỗi giá trị nông sản cũng như phát triển mạnh mẽ các DN nông nghiệp Việt Nam, yếu tố tiên quyết là phải có thế hệ doanh nhân yêu nước, có đủ tiềm lực tài chính, biết hoạch định cho mình một con đường đi rõ ràng, riêng biệt, biết đặt lợi ích của mình trong lợi ích quốc gia, không được tối ưu hóa lợi nhuận mà phải hợp lý hóa lợi ích (đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của DN, lợi ích của nhân dân).
Đặc biệt, để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao bài bản và bền vững, bản lĩnh của chính DN vẫn là chưa đủ, mà quan trọng hơn là, cần có sự liên kết chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của 5 nhà: Nhà nước, nhà nông dân, nhà khoa học, nhà DN và nhà băng.
Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng cần có chính sách tín dụng hỗ trợ hợp lý. Sự hỗ trợ tín dụng phải được xem là sự chia sẻ rủi ro trong trường hợp không thành công; trái lại, nếu dầu tư sản xuất kinh doanh thành công, DN cần bồi hoàn (một phần hoặc đầy đủ) sự hỗ trợ đó...
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút đầu tư vào nông nghiệp;
2. Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ;
3. Quyết định 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017.
TS. NGUYỄN THỊ DƯƠNG NGA - HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Nguồn: Tapchitaichinh.vn