Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tiến hành quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên.
Nghề trồng hành, tỏi ở Lý Sơn
- Cập nhật : 31/08/2017
Nhìn những đống cát trắng được đổ bên đường, dọc bờ ruộng, những ai lần đầu đến Lý Sơn (Quảng Ngãi) dễ lầm tưởng nơi đây đang chỉnh trang đường sá, kênh mương. Nhưng không, đây là đất và cát để trồng hành, trồng tỏi – những nông phẩm nổi tiếng của huyện đảo này.
Ra đây mới rõ những củ hành, củ tỏi hương vị đặc biệt mang thương hiệu Lý Sơn là kết quả của mồ hôi, công sức, của sự tỉ mẩn, vất vả của người nông dân.
Địa hình Lý Sơn vốn nhấp nhô đồi núi, phải trải qua nhiều thế hệ người dân mới tạo được những thửa ruộng bé nhỏ, đôi khi là bậc thang, bằng phẳng để canh tác.
Vất vả nhất là công đoạn làm đất. Ở Lý Sơn, cứ sau vài vụ hành, tỏi, thậm chí là sau mỗi vụ, lại phải thay đất và cát. Dưới trời nắng gắt, những người nông dân miệt mài san nền ruộng, dùng đầm nện đất phẳng lì như sân tennis, sau đó rải một vài lớp đất mầu trộn mùn (thường là đất đỏ bazan đào trên núi) và cuối cùng là lớp cát trắng khai thác ngoài biển Lý Sơn.
Bà con nông dân cho biết, mối năm thường trồng ba vụ hành và một vụ tỏi. Tỏi Lý Sơn được trồng vào khoảng tháng 9, tháng 10. Hành cho thu hoạch sau khi trồng trên 50 ngày.
Ở đảo Lớn (Cù lao Ré), phần lớn các thửa ruộng đã được lắp đặt hệ thông tưới phun sương, vừa tiết kiệm nước vừa tăng được năng suất và chất lượng hành, tỏi. Nhờ giống, thổ nhưỡng, khí hậu và phương pháp canh tác đặc biệt mà hành tím và tỏi Lý Sơn cũng có hương vị đặc biệt.
Từ đỉnh núi Thới Lới, một góc Lý Sơn tuyệt đẹp hiện ra với những thửa ruộng trồng hành, tỏi nhiều hình dạng và mầu sắc. Cùng với nghề cá và du lịch, nghề trồng hành, tỏi là những kế sinh nhai, những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội ở huyện đảo Lý Sơn, góp phần củng cố an ninh, quốc phòng, gìn giữ một góc biển trời Tổ quốc. Nhưng chính cách canh tác đặc biệt này cũng đang đe dọa ngành trồng hành tỏi ở Lý Sơn.
Người dân cho biết, ngày càng khó tìm được nguồn đất bazan trên núi; cát khai thác dưới biển cũng ngày càng cạn kiệt. Có lẽ Lý Sơn cần có hướng đi bền vững hơn cho nghề trồng hành tỏi và chuyển mạnh tái cơ cấu kinh tế sang phát triển du lịch (vốn mới chỉ dừng ở loại hình khám phá) và dịch vụ cho miền đất tươi đẹp và mến khách này.
Tin, ảnh: Duy Truyền
Theo Baotintuc.vn