Việt Nam có 23 triệu người làm nông nghiệp, trong khi đó cả 11 nước đối tác TPP chỉ có 20,5 triệu nông dân...
Nông nghiệp thiệt hại 17.000 tỷ đồng, sốt ruột nhiều mối đe dọa tăng trưởng
- Cập nhật : 06/07/2016
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, không chỉ riêng nông nghiệp, hạn hán, thiên tai cùng sự cố môi trường còn đe dọa đến nhiều ngành đang được xem là động lực cho tăng trưởng.
Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm qua đi với nhiều dư âm khá ảm đạm, đặc biệt đó là sự phát triển của ngành nông nghiệp – một lĩnh vực vốn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế đã ghi nhận mức tăng trưởng âm với một số ngành, lĩnh vực chủ chốt.
Đến nỗi, trong buổi họp báo cáo về tình hình của ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã bày tỏ nỗi lo lắng khi đặt câu hỏi: Làm thế nào để khôi phục ngành nông nghiệp, để đóng góp tốt hơn và thực hiện mục tiêu tăng trưởng?
Trụ cột kinh tế đi xuống
Thiên tai với hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cùng sự cố môi trường các tỉnh miền Trung đã khiến cho ngành nông nghiệp chịu thiệt hại lên tới 16.900 tỷ đồng, bằng 0,9% tổng giá trị nền kinh tế làm ra trong 6 tháng. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là ngành trồng trọt, thủy sản…
Trong khi đó, thương mại xuất khẩu cũng ghi nhận mức sụt giảm cả về giá và lượng trong 6 tháng. Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, sự sụt giảm của xuất khẩu chủ yếu ở các mặt hàng khoáng sản gồm giá dầu khí và than đá giảm, khiến cho xuất khẩu mất tới hơn 1,1 tỷ USD. Tính chung 22 mặt hàng xuất khẩu giảm giá, làm bốc hơi 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, bức tranh của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm không chỉ là mảng tối của ngành nông nghiệp, xuất khẩu mà theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, những tác động của thiên tai với ngành công nghiệp đang chưa được đánh giá đầy đủ.
Phó Thủ tướng dẫn chứng, ngành công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng rất lớn. Đơn cử như sự sụt giảm của giá dầu khiến công nghiệp giảm 2,2%; ngành sản xuất mía đường dự báo năm nay giảm 200.000 tấn. Hay như tình trạng hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên đã tác động lớn đến ngành thủy điện, khi phải ưu tiên nước cho chống hạn.
“Thiệt hại không chỉ 16.900 tỷ đồng, tính riêng khối nông nghiệp thôi. Nhưng nếu tính cho khối công nghiệp nữa thì lớn lắm. Nên trong điều kiện nông nghiệp giảm, công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng mạnh thì mức tăng trưởng 5,52% là tích cực” – Phó Thủ tướng đánh giá.
Công nghiệp chưa có sự cải thiện mạnh
Phân tích mới đây nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm cũng chỉ rõ, nguyên nhân GDP tăng thấp chủ yếu do sự suy giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và khai khoáng.
Theo đó, nông nghiệp tăng trưởng -0,18% (cùng kì 2015 là 2,36%) và khai khoáng tăng trưởng -2,2% (cùng kì 2015 là 8,18%), đã khiến cho tăng trưởng GDP 6 tháng/2016 giảm 0,8 điểm % so với mức tăng trưởng của cùng kì 2015.
Trong khi xuất khẩu tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, thì tổng cầu cũng chỉ cải thiện ở mức thấp. Dẫn chứng, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 8,3% của cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý, giá trị nhập khẩu hàng hóa giảm không chỉ do giá hàng hóa thế giới giảm (giá nhập khẩu giảm 7,8%) mà còn do lượng nhập khẩu tăng chậm lại, chỉ tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2015 tăng 22,1%)
Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu
Mặc dù nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đang có xu hướng hồi phục trong những tháng gần đây, được xem là tín hiệu tích cực. Nhưng chỉ số nhập khẩu máy móc thiết bị không cải thiện cho thấy lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ chưa có sự cải thiện mạnh hơn trong quý 3 năm 2016.
Trở lại cuộc họp Chính phủ với địa phương vào cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận rằng bộ máy điều hành mới bắt tay vào công việc, chưa nhạy bén với tình hình, cũng là một phần nguyên nhân tác động đến bức tranh tăng trưởng. Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đặt ra, là bài toán thách thức vô cùng to lớn trong bối cảnh hiện nay.
Song trước những khó khăn, người đứng đầu Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu và cho biết, trước mắt chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời yêu cầu các thành viên Chính phủ nỗ lực, ra sức vượt qua khó khăn, đưa ra những giải pháp cụ thể, và thực hiện quyết liệt để thực hiện mục tiêu đề ra.
Theo CafeF