tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nông nghiệp khuỵu xuống trước ngưỡng cửa hội nhập

  • Cập nhật : 08/09/2015

(Tin kinh te)

Bức tranh nền nông nghiệp Việt Nam khuỵu xuống được các chuyên gia mô tả với thể trạng nhiều hạn chế, yếu kém mà “phông nền” là áp lực phát triển trước thách thức của hội nhập.

Mấy tuần nay, các thảo luận về cải cách “bùng nổ” trên các diễn đàn. Khả năng tụt hậu của nền kinh tế được xới xáo lên ngay trước ngưỡng cửa hội nhập, khi mà nhiều hiệp định thương mại tự do vừa được thông qua, đang tiếp tục đàm phán để đi đến ký kết. Thách thức đặt ra ngay ở tốc độ tăng trưởng thấp mấy năm gần đây, trong đó nông nghiệp là ngành có biểu hiện “hụt hơi” nhất.

Tại Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp, đời sống nông dân vẫn còn khó khăn.

Nhiều tham luận cũng bày tỏ mong muốn tìm ra các biện pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh được với khu vực và thế giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Nông thôn và nông dân luôn nằm trong trọng tâm chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là khu vực có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước những năm qua. Khi kinh tế suy thoái, nông nghiệp trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng, là nơi nương tựa và trở về cho lao động thất nghiệp…

Song nhìn lại, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang còn có nhiều thiệt thòi và ngày càng thấy “đã thua thiệt và sẽ còn thua thiệt, với nhiều tổn thương hơn”. Cơ chế, chính sách có nhiều, nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.

Bên cạnh những thành tựu căn bản tạo ra trong 30 năm đổi mới vừa qua thì hiện hữu nông nghiệp đã dần suy giảm, hết động lực, năng suất và hiệu quả rất thấp, tiêu thụ sản phẩm ngày một khó. Đời sống nông dân chậm được cải thiện. Nguy cơ mất nghề trước khi kịp chuyển đổi sang lao động khu vực khác sẽ diễn ra phổ biến...

“Vấn đề quan trọng nhất là nhận thức đúng ở cả Trung ương và địa phương, từ cán bộ tới nhân dân. Bởi nguyên nhân của những yếu kém trong nông nghiệp không phải đến từ khách quan mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan…”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhìn nhận.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự đồng tình rằng, những hạn chế, yếu kém của nông nghiệp hiện nay chủ yếu là do nhận thức… Bức tranh nền nông nghiệp Việt Nam khuỵu xuống được các chuyên gia mô tả với thể trạng nhiều hạn chế, yếu kém mà “phông nền” là áp lực phát triển trước thách thức của hội nhập.

Trong khi, phương thức và tổ chức sản xuất vẫn còn ở tình trạng lạc hậu. Mức độ gắn kết của khu vực nông nghiệp với các ngành công nghiệp và dịch vụ thấp. Chất lượng của đa số sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị còn lớn, kết cấu hạ tầng, kinh tế nông thôn vẫn còn kém phát triển...

Ông Huệ nhấn mạnh: Từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp là một cố gắng. Song nếu không đổi mới sáng tạo tiếp sẽ rơi vào trạng thái bẫy thu nhập trung bình, một “bẫy tơ” đã kìm hãm sự phát triển của nhiều quốc gia… Bài học 30 năm đổi mới đã chỉ ra rằng, một khi cơ chế đúng, chính sách đúng sẽ tạo ra động lực lớn, sức mạnh vật chất làm thay đổi nhanh cục diện, điển hình như khoán 10.

“Đi lên từ một đất nước nông nghiệp, vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn luôn là nền tảng của quá trình phát triển kinh tế đất nước. Phải có một cách tiếp cận mới, tạo ra đột phá trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn”, ông Huệ nói.

(Theo Thời báo Ngân Hàng)
Trở về

Bài cùng chuyên mục