Sau nhiều phen nếm mật nằm gai, ông Nguyễn Đức Luân (56 tuổi, Nghệ An) đã đầu tư thành công mô hình chuồng trại chăn nuôi tổng hợp, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những nông dân trẻ sáng tạo với công nghệ mới
- Cập nhật : 16/11/2015
(Kinh te)
Trong quá trình thảo luận một đề tài khá “thời thượng” hiện nay là tái cơ cấu nông nghiệp, một nhân vật mới xuất hiện với mật độ khá dày là…doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến phân tích về vai trò không thể thiếu, nếu không nói là rất quyết định của họ trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Họ là người có khả năng đầu tư lớn vào nông nghiệp. Họ xác định mô hình kinh doanh dựa trên am hiểu chuỗi giá trị để đảm bảo hiệu quả tốt. Họ hiểu nên ứng dụng công nghệ nào là phù hợp tronbg kinh doanh. Họ am hiểu thị trường để bắt đầu vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh đúng hướng. Họ nắm vững xu hướng phát triển nông nghiệp và tiêu dùng nông sản toàn cầu: coi trọng an toàn, sức khỏe, dinh dưỡng và bảo vệ môi trường. Và cuối cùng họ mới có tầm nhìn chiến lược để đầu tư cho nguồn nhân lực của nông nghiệp.
Tại Techmart 2015, chúng ta gặp những doanh nghiệp nông nghiệp nổi bật trong làm ăn mà đặc sắc nhất là tập hợp những doanh nghiệp nông nghiệp có ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao. Đó là những doanh nghiệp trẻ đam mê công nghệ, táo bạo mở ra cho nông nghiệp và công cuộc kinh doanh nông sản những con đường mới mà cha chú của họ ngần ngại chưa (dám) đi.
Đó là Huỳnh Quang Vinh chàng thạc sĩ nông học từ Đức về, phát kiến nhiều dòng sản phẩm mới, tự xây dựng tiêu chí làm nông sản sạch rồi lặn lội các vùng sâu vùng xa, dạy cho nông dân làm đúng qui trình nông sản sạch để bán cho nhà máy Antesco của anh.
Đó là anh nông dân trẻ măng (mà vẻ mặt đăm chiêu, già trước tuổi) Phạm Minh Thiện CEO của doanh nghiệp tư nhân Cỏ may Đồng Tháp, luôn tâm niệm một sứ mệnh tự đặt lên vai mình là “cất cái gánh nặng đè đầu, trĩu vai người nông dân trồng lúa” bằng cách đi tìm hàng loạt công thức chế biến, mở các phòng thí nghiệm hóa, sinh, dược… để thử chế biến với công nghệ mới và sạch, giá trị gia tăng cao cho rơm rạ, cám gạo, trấu.
Cùng quan tâm thân phận cơ cực của người trồng lúa, tiến sĩ anh hùng lao động Hồ Quang Cua rời vị trí phó giám đốc Sở nông nghiệp PTNT tỉnh Sóc Trăng đi nghiên cứu lai tạo các giống lúa thơm, dựng được một nhóm chuyên gia lành nghề, đưa ra thị trường các loại gạo ST nổi tiếng giúp hàng vạn hộ nông dân mưu sinh.
Còn với Hà Huy Thắng, Tổng giám đốc công ty kinh doanh hồ tiêu (CT XNK Petrolimex) thì anh không ngại đi một đường vòng thật xa nhưng nghĩ lại, có thể là mô hình đúng cho nhiều loại nông sản Việt khác: xuất hồ tiêu thô qua Mỹ, thu nhiều tiền về xây vùng nguyên liệu kế đó ứng dụng công nghệ sinh học nâng chất lượng tiêu và xây nhà máy, dựng thị trường để trở thành hồ tiêu thương hiệu Pitco có tiếng được tin cậy, bền vững trong kinh doanh.
Thị trường Mỹ xa nhưng xem ra không cam go bằng thị trường Trung Quốc và doanh nhân Nguyễn Lâm Viên đã cam kết từ đầu với công nghệ luôn cải tiến, vùng nguyên liệu được mở rộng, xây dựng hẵn công ty phân phối lớn để chiếm lĩnh các siêu thị Trung Quốc bằng con đường xuất khẩu chính ngạch, con đường phát triển bền vững trong giao thương với Trung Quốc.
Cũng lại với thị trường nước ngoài, nước Úc, anh Đặng quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc điều hành tập đoàn tôm giống Việt Úc (xếp hàng thứ tư thế giới trong ngành kinh doanh này) lại đưa tất cả vốn liếng và công nghệ cao về với quê nhà Bạc Liêu, thách thức mọi khó khăn để trụ vững.
Còn chàng hiệp sĩ tin học Nguyễn Đăng Minh Trí, rời bỏ công ty điện toán đa quốc gia để khởi sự một doanh nghiệp là công ty Mimosatek dùng IT để hỗ trợ cho nông nghiệp chính xác, mở ra triển vọng rất hứa hẹn cho quản trị sản xuất kinh doanh nông sản kiểu mới.
Để thay da đổi thịt của nền nông nghiệp hiện nay chúng ta cần rất nhiều thời gian công sức, nhưng những hạt mầm ban đầu đã sinh sôi, phát triển trên những vùng đất đầu tiên và giờ là cuộc hành trình dài…