Tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng sa sút trong 15 năm liền, trong khi mức đầu tư của ngành cũng xuống cực thấp... là yếu tố đáng ngại trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP.
Vào TPP, ngành chăn nuôi “mong manh như ngọn đèn trước gió”
- Cập nhật : 19/11/2015
(Kinh te)
Trước thềm hội nhập TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng đang đứng trước muôn vàn khó khăn như nhiều chuyên gia đã nhận định, ngành chăn nuôi yếu thế nhất khi Việt Nam hội nhập...
Tại hội thảo “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôigia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP”, TS Trần Duy Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, chăn nuôi gia cầm từ lâu đã là một nghề truyền thống, gắn bó với người dân Việt Nam.
Chăn nuôi gia cầm có ưu điểm chi phí đầu tư thấp, chu kỳ sinh trưởng ngắn, quay vòng nhanh, phát triển được ở nhiều vùng sinh thái, tận dụng được thụ phẩm trong trồng trọt, sản phẩm dễ tiêu thụ…
Trong những năm qua, chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đã góp phần thỏa mãn nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng cao của người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế sẵn có, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, quy mô nhỏ lẻ chiếm 65-70%, thiếu tính liên kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế chưa cao, thị trường vẫn do thương lái điều tiết.
Thứ hai, năng suất sản xuất gia cầm của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% so với mức trung bình thế giới. Vấn đề con giống cũng là một trong những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi.
Thứ ba, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù đa số các bệnh đều đã được kiểm soát nhưng một số dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.
Thứ tư, chi phí đầu vào cao dẫn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi cao, sức cạnh tranh yếu. Trong chăn nuôi, giá thành thức ăn đã chiếm tới 65-70% chi phí. So với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-15% bởi đầu vào thức ăn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất cao.
Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn khá ít, chỉ chiếm khoảng 20%.
Hiện Việt Nam đang tham gia đàm phán và chuẩn bị tiến tới ký kết TPP với 11 nước thành viên còn lại, bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản… Trong số 12 quốc gia thành viên TPP, Việt Nam được coi là nước kém phát triển nhất nhưng vẫn phải thực hiện các cam kết bình đẳng, không phân biệt đối xử trên nguyên tắc “có đi, có lại”.
Vì vậy, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi mới, TPP cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam như tạo sức ép cạnh tranh trực tiếp với sản xuất trong nước từ việc giảm thuế nhập khẩu, mở cửa thị trường dịch vụ đầu tư, về nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ; đồng thời, tạo sức ép hoàn thiện môi trường thể chế và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật.
Trước thềm hội nhập TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng đang đứng trước muôn vàn khó khăn như nhiều chuyên gia đã nhận định, ngành chăn nuôi yếu thế nhất khi Việt Nam hội nhập. Thậm chí có chuyên gia còn lo ngại, vào TPP ngành chăn nuôi mong manh như ngọn đèn trước gió.
Theo TS. Dương Xuân Tuyến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA, một trong những thách thức của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư chất kháng sinh, chất cấm... còn phổ biến.
“Nếu không có bước tiến về giống, kỹ thuật chăn nuôi, giảm chi phí giá thành, xây dựng chuỗi khép kín... thì khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu là khốc liệt, nhất là quy trình công nghệ của chúng ta đang lạc hậu nhiều so với thế giới” - TS. Tuyến cho biết.
Hiện Việt Nam xếp thứ 21 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm trên thế giới, là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 thế giới, thuộc top 10 quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất thế giới.
Năm 2014, tổng đàn gia cầm của cả nước đạt 328,1 triệu con; tăng 4,6%. Mức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bình quân/người/năm ở Việt Nam ước đạt gần 50kg thịt hơi các loại; 88,7 quả trứng và 5,8 lít sữa…