tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lúng túng quản lý ngô biến đổi gene

  • Cập nhật : 09/11/2015

(Nong nghiep)

Diện tích ngô biến đổi gene (BĐG) trồng tại Việt Nam hiện lên đến hàng nghìn ha và hàng chục nghìn tấn ngô BĐG đã bán ra thị trường. Theo quy định, sản phẩm có sử dụng sản phẩm BĐG phải dán nhãn, tuy nhiên cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng vẫn lúng túng?

 

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Các giống ngô BĐG đều có tính năng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ. Với năng suất trung bình khoảng 10 tấn/ha, người trồng ngô BĐG đã thu được khoảng 30.000 tấn trong vụ vừa rồi. Hầu hết số ngô thu hoạch được đều bán cho các thương lái mua làm thức ăn chăn nuôi hoặc thực phẩm. Tuy nhiên, tại một hội thảo về ngô BĐG mới đây, không ít lo ngại về khả năng phát sinh những loại sâu kháng lại tính trạng của giống BĐG.

Ông Lê Hồng Nhu, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cũng đặt vấn đề: “Giống ngô BĐG được công nhận và được trồng đại trà ở Việt Nam từ những thông tin đã có, đã xảy ra. Vậy, gốc rễ của cây trồng BĐG sau đó thế nào, liệu có chuyện gì sau này nữa không…”?

Theo ông Nguyễn Hồng Chính, đại diện Cty Dekalb Việt Nam, đến nay, các cây trồng chuyển gene có tính trạng kháng sâu và đồng thời kháng lại thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, một số nơi trồng cây BĐG, có hiện tượng con sâu chủ đích kháng lại gene chống sâu, như ở Mỹ. “Điều này xảy ra khi trồng liên tục trên diện rộng, nhiều năm, hàm lượng protein không ổn định và xuất hiện khả năng kháng sâu”- ông Chính nói.

PGS TS Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngô BĐG có tính kháng sâu đục thân, chống chịu thuốc trừ cỏ, do đó tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Tù mù sản phẩm biến đổi gene

Hiện nông dân trồng ngô BĐG sau khi thu hoạch, bán cho thương lái. Sau đó, thương lái có thể bán cho các nhà máy làm thức ăn chăn nuôi, hoặc ra thị trường, còn việc dán nhãn chưa được thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện Bộ NN&PTNT mới đồng ý để: Syengent đưa hai loại giống vào trồng đại trà; Monsato 2 đưa vào khảo nghiệm so sánh một số giống.

Theo bà Thủy, Luật An toàn thực phẩm quy định phải dán nhãn bắt buộc với sản phẩm có chứa thành phần BĐG. Hiện Bộ NN&PTNT chủ trì với Bộ KH&CN soạn thảo thông tư hướng dẫn về dán nhãn, đang ở giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế, hằng năm, Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn ngô, đậu tương BĐG về làm thức ăn chăn nuôi. Theo bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên, hàng triệu tấn ngô, đậu tương BĐG có mặt trên thị trường sao không thấy nói rõ là mặt hàng BĐG? Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết, Tập đoàn Dabaco (Bắc Ninh) mỗi ngày dùng tới 2.000 tấn thức ăn, toàn ngô và đậu tương chuyển gene.

Bà Thủy cho biết, việc nhập khẩu ngô BĐG làm thức ăn chăn nuôi, theo quy định, từ tháng 3/2015, các công ty xuất nhập khẩu khai báo nguồn gốc xuất xứ, nói rõ là ngô BĐG hay không. Khi đó, Việt Nam sẽ cấp phép đủ điều kiện làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã gia hạn việc khai báo nguồn gốc, xuất xứ.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, trong quá trình phân phối hàng nhập khẩu, cũng phải khai báo về xuất xứ. Việc ghi nhãn, theo bà Thủy, sẽ quy định với bao gói sẵn, nhãn ghi về thành phần, tỷ lệ thành phần BĐG và tỷ lệ gene bị biến đổi. Theo các chuyên gia về BĐG, về mặt khoa học, nếu dùng ngô, đậu tương BĐG cho các vật nuôi ăn, đến sản phẩm thứ cấp là thịt (như thịt lợn, bò, gà…) thì không còn gene bị biến đổi nữa.

Cũng giống như dầu ăn chế biến từ đậu tương, cải dầu BĐG cũng không có các gene bị biến đổi. Do vậy, nhiều nước quy định, dán nhãn về xuất xứ từ đậu tương, hay cải dầu BĐG là để người tiêu dùng biết và lựa chọn, còn về mặt khoa học, không có gì ảnh hưởng.

Diện tích ngô BĐG của cả nước trong vụ Xuân vừa qua đã lên tới gần 3.000 ha. Trong đó, Cty Syngenta khoảng 2.500 ha; Cty Dekalb Việt Nam khoảng 400 ha; Cty Pioneer Hi-Bred Việt Nam khoảng 4-5 ha.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục