tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cánh đồng mẫu lớn... chưa lớn!

  • Cập nhật : 11/11/2015

(Kinh doanh)

Thiếu những ưu đãi cụ thể, việc tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo liên tục bị trục trặc

Ngày 10-11 tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Liên minh HTX Việt Nam tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML).

Ưu đãi hầu như chưa có gì!

Đó là nhận xét của ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), doanh nghiệp (DN) tiên phong xây dựng CĐML với diện tích hiện đạt trên 5.000 ha. Công ty Trung An đã ký hợp đồng liên kết với nông dân thời hạn tối thiểu 5 năm để trồng lúa. DN đầu tư toàn bộ vật tư đầu vào như giống xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn quy trình canh tác và bao tiêu 100% sản lượng. Nhờ đó, thu nhập tăng thêm của nông dân đạt 15-20 triệu đồng/ha/năm còn DN cũng tăng thêm 20-30 tỉ đồng/năm.

thu hoach lua tren canh dong mau lon o an giang anh: thot not

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở An Giang Ảnh: THỐT NỐT

Tuy nhiên, DN làm CĐML đang đối mặt với nhiều khó khăn như cần số vốn lớn ở 2 thời điểm đầu vụ và cuối vụ, áp lực bị thua lỗ do cạnh tranh không lành mạnh từ đa số các DN khác không thực hiện CĐML. “Cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước đối với DN thực hiện CĐML gần như chưa có gì trong khi trên thực tế, khi triển khai là phải hỗ trợ ngay cho nông dân mỗi kg lúa không dưới 300 đồng/ vụ” - ông Bình nói.

Theo ông Bình, nếu có ưu đãi cụ thể cho DN tham gia CĐML thì chỉ cần 2-3 năm, bộ mặt ngành gạo Việt Nam sẽ thay đổi rõ nét, nhà nước không phải lo hỗ trợ lãi suất tạm trữ lúa gạo vì DN đã bao tiêu 100%.

Những hỗ trợ mà DN cần là được vay vốn lãi suất 0% trong 2 năm đầu để mua máy cày, máy cấy, máy san ủi đồng ruộng, máy tưới tiêu, máy xay xát, chế biến lúa gạo; vốn ngắn hạn để thanh toán tiền lúa cho nông dân; được thuê đất 50 năm với giá ưu đãi để xây nhà kho chứa lúa gạo, máy sấy, máy xay xát, nhà làm việc và nhà ở cho nhân viên công ty tham gia CĐML...

Hướng đi tất yếu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết những năm qua, ngành nông nghiệp mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn nằm trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp; chất lượng và giá trị sản lượng của một số nông sản chưa cao; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và rủi ro thị trường vẫn rất lớn. Do đó, liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐML đang là đòi hỏi, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam trước áp lực hội nhập.

Ông Lê Binh Hùng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, DN vừa và nhỏ miền Nam (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) - cho biết thực tế hiện nay khi tham gia chuỗi, lợi nhuận của nông dân chưa đạt như kỳ vọng (30% mà chỉ đạt hơn 12%). Theo ông, thương lái rất giỏi trong việc tìm kẽ hở của thị trường nhưng lại chưa tham gia chuỗi liên kết mà ở ngoài hưởng lợi.

Do vậy, HTX cần tăng cường năng lực, quản lý điều hành để tập hợp nông dân và trở thành đối tác chiến lược của DN, thương lái trong việc cung ứng đầu vào và tiêu thụ tập trung theo hợp đồng. “Với nông dân, cần tập cho họ tư duy về thị trường, việc được mùa mất giá, mất mùa được giá là quy luật đương nhiên, người sản xuất không thể đòi hỏi làm ra 1 đồng sẽ bán được 1 đồng 2 với bất kỳ sản lượng nào” - ông Hùng nói.

Mới chỉ đạt 196.000 ha

Phong trào xây dựng CĐML được phát động từ năm 2011 tại TP Cần Thơ với sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, DN và nông dân. Hai năm sau đó, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và ban hành nhiều chính sách khác như bảo vệ quỹ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quy định giá sàn thu mua lúa để nông dân đạt lợi nhuận 30%, trợ cấp tín dụng thu mua tạm trữ lúa, điều kiện DN xuất khẩu gạo hoặc hỗ trợ sản xuất... Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 196.000 ha đất lúa của nông dân tham gia cùng các DN xây dựng CĐML.

Theo nhận định của các chuyên gia, mô hình này đã cho hiệu quả rõ rệt và rất thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giúp nông dân tiết kiệm chi phí và thời gian. Đơn cử, mỗi ha lúa tham gia trong CĐML có thể giảm được từ

10%-15% về chi phí và từ 20%-25% về giá trị sản lượng. Từ đó tăng thêm lợi nhuận cho nông dân từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), mô hình này đang bộc lộ nhiều hạn chế cần phải khắc phục như tốc độ mở rộng còn chậm khi cả vùng ĐBSCL hiện chỉ đạt 11% diện tích; tỉ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chỉ đạt ở mức từ 20%-30% do nông dân hoặc DN tự ý “bẻ kèo”. Chính phủ quy định lúa gạo là ngành xuất khẩu có điều kiện nên các DN phải có vùng nguyên liệu, hệ thống phơi sấy, kho tạm trữ, sau đó mới đưa đi đấu giá với thị trường nước ngoài để xuất khẩu.

Thế nhưng, một số DN đã ký hợp đồng trước rồi giao cho thương lái đi thu gom nên gây ra tình trạng xáo trộn, tranh giành mua bán hoặc o ép nông dân mỗi khi thiếu hoặc dư lúa xuất khẩu. Nhiều DN chưa có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân hoặc hệ thống thu mua nên vẫn còn lệ thuộc vào thương lái.

(Theo Người lao động)

Trở về

Bài cùng chuyên mục