Mỗi 1kg lúa do hộ nông dân làm ra mất khoảng 3.500-4.000 đồng trong khi những người làm hợp tác xã hoặc những người trồng với diện tích lớn chỉ mất 1.800-2.000 đồng/kg. Nếu bán lúa với giá 4.300 đồng/kg thì nông dân riêng lẻ chỉ lãi có 300-400 đồng/kg. Không thể nào giàu được!
Gỡ “nút thắt” tín dụng để thu hút DN vào nông nghiệp
- Cập nhật : 24/08/2015
(Kinh te)
Vốn cho doanh nghiệp (DN) nông nghiệp hiện nay bị mắc ở tài sản thế chấp. Vì không đáp ứng được điều kiện, DN lấy chính sản phẩm của mình ra để thế chấp thì ngân hàng lại không chấp nhận.
Chia sẻ với Vinanet, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, DN này chỉ mới đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2015, với lĩnh vực đầu tư là thức ăn chăn nuôi, nhưng đã thấy những bất cập từ chính sách nông nghiệp. Theo ông Dương, hiện nhiều chính sách ưu đãi đã thông suốt từ chủ trương của Chính phủ nhưng khi triển khai xuống các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương lại chưa rõ ràng. Các Nghị định, Thông tư áp dụng còn vướng mắc, thiếu đồng nhất, gây khó khăn cho DN.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, thủy sản là thế mạnh của tỉnh. Một năm tỉnh khai thác được 9-10 nghìn tấn cá ngừ đại dương. Hiện có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp nhưng về đến địa phương lại bị vướng. Ví dụ như nghị định 67 về vay vốn cho đóng tàu, hiện nay chỉ có BIDV cho vay đối với 11 chủ tàu, còn các ngân hàng đang rất ngại cho vay.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, vốn cho DN nông nghiệp hiện nay bị mắc ở tài sản thế chấp, vì không đáp ứng được điều kiện, mà lấy chính sản phẩm của DN ra để thế chấp thì ngân hàng lại không chấp nhận, đây chính là cái khó.
Ông Hậu cũng đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Đó là, nên thành lập hội đồng để duyệt dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ở địa phương, với các thành phần của địa phương, trong đó có cả ngân hàng (NH) tham gia vào hội đồng đấy. Nếu như dự án được duyệt thì đây gần như là sự bảo lãnh của tập thể mà chính quyền đứng ra để làm tín chấp cho DN. NH trên cơ sở thẩm định như thế thì quyết định cho vay hay không cho vay. “Tôi nghĩ làm như thế sẽ tháo được nút thắt nguồn vốn vay NH, chứ nếu dựa vào thế chấp như bình thường thì sẽ rất khó thực hiện”, ông Hậu chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, nói về tiếp cận vốn, quan hệ tín dụng giữa NH và DN nên nhìn nhận từ hai phía. Thời gian qua ngành Nh đã triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng và lãi suất cho DN. NHNN đã điều tiết và đưa mặt bằng về lãi suất như hiện nay, bằng 40-50% mức lãi suất rất cao năm 2011.
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi trần lãi suất cho vay là 7%, thấp hơn từ 1-2% đối với mức lãi suất của lĩnh vực sản xuất thông thường. Có thể nói, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để cấp tín dụng cho DN thời gian qua, NHNN không có gì thắt chặt mà còn tháo gỡ khó khăn cho DN.
Thực tế, những DN không tiếp cận được với ngân hàng, chủ yếu là do DN không có sản phẩm giá trị, tình hình tài chính yếu kém, không thuyết trình được dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ tín dụng. Bà Hồng cho rằng, để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của DN đòi hỏi DN phải chủ động có kế hoạch sản xuất kinh doanh có tính khả thi. Chứng minh được khả năng quản trị dòng tiền để trả nợ tín dụng. Nếu có DN đủ điều kiện thì sẽ không thiếu ngân hàng tìm DN cho vay, nhất là lĩnh vực được ưu tiên.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)