Ông Nguyễn Văn Liêm, tổ hợp tác bưởi da xanh Lương Phú (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết, hiện nay có việc thương lái vào nhà vườn cắt bưởi non để thu mua.
Chuyên gia Bỉ: Tương lai nông nghiệp Việt Nam phải là công nghệ cao
- Cập nhật : 20/05/2017
Tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam phải tính tới công nghệ cao, công nghệ hiện đại, để mang lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp.
Để nhanh chóng hiện thực hóa điều này, Việt Nam rất cần hợp tác với nước ngoài, nhất là với một nước châu Âu, vốn từ lâu đã áp dụng nhiều chính sách cùng những kiến thức và công nghệ tiên tiến. Đó là chia sẻ của Giáo sư kinh tế nông nghiệp thuộc trường Đại học Liège của Bỉ, ông Philippe Lebailly.
Giáo sư Philippe Lebailly nhận định, Việt Nam đã chứng tỏ được mình là một đất nước nhanh nhạy. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất nông nghiệp lớn, nhưng vấn đề đặt ra là phải hướng đến một nền sản xuất hiệu quả, cần tính đến việc tăng giá trị các sản phẩm làm ra thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến.
Ghi nhận Việt Nam rất mạnh về sản xuất thủy sản, Giáo sư cũng lưu ý Việt Nam chú ý đến các vấn đề về môi trường để giảm thiểu các tác động phụ như ô nhiễm và bệnh dịch. Cùng với đó, ông cho rằng Việt Nam cần phải quản lý sản lượng nông nghiệp với các công nghệ phù hợp, nhất là áp dụng công nghệ sinh học và sử dụng các loại thuốc bảo vệ vật nuôi cây trồng ít độc hại. Với công nghệ tiên tiến, Việt Nam có thể làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các nguồn nguyên liệu vốn xưa nay có giá trị không đáng kể, thậm chí bỏ đi.
Những trái dưa lưới được trồng trong hệ thống nhà màng theo mô hình công nghệ cao tại phường Long Tâm. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Liên quan đến vấn đề này, ông đưa ra một ví dụ rất thú vị, đó là công nghệ sản xuất ra các vật liệu hữu ích từ thân cây bèo tây, được phát triển bởi một doanh nghiệp Bỉ. Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bèo tây là một loại thực vật thủy sinh doang dại phát triển rất mạnh vốn chỉ được tận dụng làm thức ăn nuôi lợn trong các hộ gia đình.
Vậy mà một doanh nghiệp tại Bỉ đã phát minh ra công nghệ sử dụng nguyên liệu là thân khô của loại thực vật này để sản xuất vật liệu chống ồn, chống nóng hay các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Và như vậy, bèo tây giờ đây đã có thể mang lại công việc và nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân và những người sống ở khu vực nông thôn một số vùng thuộc Nam bộ.
Điều quan trọng hơn, theo Giáo sư người Bỉ, ví dụ trên cho thấy người nông dân nói riêng và Việt Nam nói chung có thể nâng giá trị sản phẩm của mình nhờ các công nghệ và nhu cầu mới. Việt Nam hiện đã đứng vào hàng ngũ các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Ông Philippe Lebailly cho rằng Việt Nam nên xem xét hợp tác với bên ngoài để có thể làm ra các sản phẩm tốt hơn, mang hàm lượng giá trị gia tăng nhiều hơn.
Theo Giáo sư người Bỉ, châu Âu đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc cho ra đời các chính sách phát triển nông nghiệp và công nghệ. Đề cập đến các kinh nghiệm của châu Âu đối với Việt Nam, ông Lebailly lưu ý rằng không thể có "điều thần kỳ" hay các giải pháp hoàn hảo có thể được áp dụng chung cho mọi đối tượng.
Thực tế là đối với bất cứ một chính sách nào thì bên cạnh các mặt tốt vẫn luôn tồn tại các điểm bất lợi, và đây cũng chính là vấn đề mà Việt Nam cũng như châu Âu còn phải bàn bạc và cùng suy nghĩ dựa trên các kinh nghiệm đã có, trên cơ sở đó đưa ra các lựa chọn về chính sách một cách minh bạch và hợp lý nhằm tìm được giải pháp tối ưu.
Ông cho biết Liên minh châu Âu (EU) cũng từng nhiều lần phải điều chỉnh các chính sách nông nghiệp của mình trong quá trình thực hiện. Bằng kinh nghiệm, EU có thể đưa ra các đề xuất, khuyến nghị để Việt Nam có thể xem xét và áp dụng được những điểm tốt, đồng thời loại bỏ những điểm xấu trong quá trình điều chỉnh chính sách.
Giáo sư Philippe Lebailly cho rằng việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với công nghệ cao về khía cạnh nào đó sẽ đào thải dần mô hình canh tác nông nghiệp nhỏ truyền thống. Cá nhân ông cho rằng không nên cứng nhắc lựa chọn chỉ một trong hai mô hình trên.
Theo Giáo sư, vấn đề quan trọng là cần đưa ra được các chính sách và phương pháp phù hợp với cả hai hình thức trên, bởi theo ông mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn với công nghệ cao là xu thế tất yếu, nhưng trong xã hội nào cũng vẫn tồn tại mô hình hộ nông dân sản xuất nhỏ cần được bảo vệ và giữ gìn.
Và cũng cần phải lưu ý rằng đây là vấn đề xã hội rất lớn. Hai loại hình kinh doanh hiện đại và truyền thống này cần có các chính sách phù hợp. Giáo sư cho rằng chính quyền cần giúp đỡ cả hai hình thức sản xuất trên. Đây cũng chính là lý do phải sử dụng các nguồn lực và công cụ tài chính một cách thông minh, hiệu quả để giúp cả hai mô hình sản xuất kinh doanh trên cùng phục vụ cho người tiêu dùng và toàn xã hội.
Khi nói về những lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Giáo sư Philippe Lebailly chia sẻ hiện nay chúng ta đang ở trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính và EVFTA sẽ là một hiệp định quan trọng, có tác động vô cùng rộng lớn. Theo Giáo sư, hiệp định này rất có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam vì EU là một thị trường có lượng người tiêu dùng khổng lồ và sức mua cao.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có vai trò rất quan trọng với doanh nghiệp EU vì thị trường nội địa rất hấp dẫn của mình. Giáo sư cho rằng ngoài việc tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất nhập khẩu thì EVFTA còn bao hàm những biện pháp cân bằng cho mỗi thực thể phát triển một cách hài hòa và đóng góp vào triển vọng phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân của cả hai bên.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải làm quen và hòa nhập dòng sản xuất chất lượng cao với công nghệ và khoa học tiến bộ. Về phần mình, EU nói chung và Bỉ nói riêng có cơ sở vật chất hiện đại với nhiều phòng thí nghiệm chuyên về nghiên cứu và có những công nghệ tiên tiến. Giáo sư Philippe Lebailly bày tỏ tin tưởng Việt Nam và EU có thể hợp tác cùng nhau vì sự phát triển và thịnh vượng chung của cả hai bên.
Kim Chung (TTXVN)