tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thương lái vào nhà vườn thu mua bưởi non

  • Cập nhật : 30/05/2017

Ông Nguyễn Văn Liêm, tổ hợp tác bưởi da xanh Lương Phú (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết, hiện nay có việc thương lái vào nhà vườn cắt bưởi non để thu mua.

Đó là thông tin được ông Liêm đưa ra tại hội thảo về liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây theo chuỗi giá trị do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phối hợp cùng UBND huyện Chợ Lách tổ chức ngày 30/5.

“Chúng tôi không đồng ý với việc thương lái hái bưởi non nhưng nông dân đề nghị để họ hái bưởi thì thương lái không cho. Người nông dân rất bức xúc nhưng thương lái vẫn tự hái. Người trồng bưởi sợ rằng một lúc nào đó người tiêu dùng sẽ quay lưng với bưởi da xanh Bến Tre. Sợ mất đi thương hiệu bưởi da xanh Bến Tre”, ông Liêm lo lắng.

Theo nhiều hộ nông dân trồng bưởi da xanh ở Bến Tre, hiện nay việc hái bưởi, lựa chọn bưởi đều do thương lái quyết định. Người trồng bưởi chỉ kiểm tra, ký để nhận tiền. Thương lái muốn mua bưởi loại nào thì tự hái, không để người trồng bưởi hái.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở bưởi da xanh Hương Miền Tây, nhận định: "Việc thương lái vào nhà vườn hái bưởi xanh, non là điều rất nguy hại đối với cây bưởi. Các doanh nghiệp lớn chưa bao giờ thu mua bưởi xanh, non. Như cơ sở của chúng tôi, thương lái Trung Quốc vào đặt hàng mua bưởi non, chúng tôi cũng từ chối để giữ thương hiệu cho bưởi da xanh Bến Tre".

Thương lái thường mua bán nhỏ nên không có ý thức giữ gìn thương hiệu trái bưởi da xanh Bến Tre. Trong lúc thị trường đang khan hiếm hàng, thương lái có thể mua 60.000 kg/bưởi da xanh non rồi bán sang tay 65.000 đồng/kg vì bưởi không có dán nhãn mác nên không sợ mất thương hiệu.

thuong lai thu mua buoi da xanh. anh: trung hieu/ttxvn

Thương lái thu mua bưởi da xanh. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

 

“Xây dựng thương hiệu rất khó nhưng đánh mất rất dễ. Dán nhãn không phải để giữ thương hiệu mà là để chịu trách nhiệm với sản phẩm mà doanh nghiệp đã bán. Bưởi da xanh đặc sản của Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi. Vấn đề giữ gìn và bảo vệ thương hiệu là sự đồng tâm của người nông dân, doanh nghiệp. Trên cả nước, không có trái nào ăn non, hái sớm chưa đủ tuổi mà ngon”, ông Hưng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều nông dân trồng bưởi cũng thắc mắc, hiện nay việc phân loại bưởi vẫn chưa theo một quy chuẩn nào nên dễ bị thương lái ép giá và tự ý phân loại. Ông Nguyễn Văn Đắc, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (thành phố Bến Tre) cho biết, ở Bến Tre không chỉ có bưởi loại 1, loại 2, loại 3 mà còn loại 4, loại 5…

Ông Đàm Văn Hưng cho hay, trước đây ở tỉnh có Hiệp hội bưởi da xanh, lúc đó có xây dựng quy chuẩn phân loại bưởi 1,2,3 nhưng chưa công bố thì Hiệp hội đã ngưng hoạt động. Vì thế đến nay vẫn chưa có quy chuẩn phân loại cho bưởi da xanh. Hiện tại, các nhà vựa mua theo quy tắc nhu cầu của thị trường. Có chỗ tính bưởi loại 1 từ 1,2 kg trở lên, có chỗ tính từ 1,3 kg trở lên,…

Theo ông Hưng, tỉnh Bến Tre nên sớm thành lập lại Hiệp hội bưởi da xanh để làm nòng cốt dẫn dắt, liên kết người trồng bưởi, doanh nghiệp, các nhà thu mua. Hiệp hội sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán, xây dựng chỉ dẫn địa lý… Ông Nguyễn Văn Đắc cũng đồng tình với việc tỉnh Bến Tre sớm thành lập lại Hiệp hội bưởi da xanh.

“Nông dân chúng tôi trồng bưởi da xanh nhưng lại mù mờ về thông tin. Giờ trồng bưởi da xanh theo nhu cầu thị trường chứ không phải trồng gì bán đó nên rất cần thông tin từ thị trường, dự báo thị trường, giá cả… nhưng người trồng bưởi lại không biết tìm ở đâu?”, ông Đắc trăn trở.
 

Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục