Không được phép thu tiền đặt cọc của thực tập sinh và doanh nghiệp phải công khai các khoản phí là nội dung chủ yếu trong Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) vừa ký giữa cơ quan hữu trách của Việt Nam và Nhật Bản.
Giảm mức đóng BHXH bắt buộc cho doanh nghiệp
- Cập nhật : 03/05/2017
Từ 1-6-2017, người sử dụng lao động sẽ được giảm 0,5% mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hằng tháng, người sử dụng lao động đóng 1% trên quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của người lao động vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Còn theo Nghị định 44/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào hai quỹ trên với mức như sau: 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động (được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và h Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH).
Mức này sẽ được áp dụng cho người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Mức 0,5% được tính trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, gồm hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Quy định mới này không áp dụng cho trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
Đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng là 0,5% trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
Riêng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, việc đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định mới sẽ được triển khai từ ngày 1-1-2018.
Theo quy định hiện nay, mỗi doanh nghiệp phải đóng cho người lao động 22% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào ba quỹ là quỹ BHXH (18%), bảo hiểm y tế (3%), bảo hiểm thất nghiệp (1%). Như vậy, theo nghị định vừa được Chính phủ ban hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế) bắt buộc hằng tháng của người sử dụng lao động giảm từ 22% xuống còn 21%.
Trước đó, vào tháng 10-2016, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm. Theo đánh giá tác động của Bộ LĐTB&XH, việc điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ đóng (giảm ở mỗi quỹ là 0,5%) sẽ có hiệu ứng tốt cho người sử dụng lao động, đặc biệt là những doanh nghiệp đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Việc giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, tương ứng với số tiền giảm khoảng 2.400 tỉ đồng/năm. Giảm tỷ lệ đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1% xuống 0,5%, tương ứng với số tiền giảm khoảng 3.000 tỉ đồng/năm.
Theo Bảo Uyên - TBKTSG