Trong mỗi chúng ta, dù ít hay nhiều cũng đều phải trải qua những giai đoạn bế tắc, tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng sự khác nhau giữa mỗi người đó là góc nhìn vấn đề và cách người ta vượt qua giai đoạn này như thế nào. Có người buông xuôi, gục ngã, cũng có những người mạnh mẽ tiến về phía trước để tìm đến hạnh phúc và sự thành công.
Người Việt mưu sinh ở cửa khẩu Trung Quốc
- Cập nhật : 02/05/2017
Mỗi ngày, hàng trăm cư dân biên giới từ Móng Cái sang Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) mưu sinh. Công việc chủ yếu của họ là bán hàng rong hay vác thuê hàng hóa qua biên giới.
Mỗi sáng, khi Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) vừa mở cửa, hàng trăm cư dân biên giới tập trung, xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc. Công việc chủ yếu của các cư dân này là vác hàng hóa thuê qua biên giới hay bán hàng rong ở Cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc).
Công việc này đem lại nguồn thu nhập cao gấp 2-3 lần cho người lao động so với những việc lao động chân tay thông thường ở trong nước.
Bán hàng rong
Tại ngã tư, trên vỉa hè đoạn đầu con đường dẫn vào Cửa khẩu Đông Hưng, một tốp người quấn đầy các tràng hạt lớn, bé, nhiều màu trên tay thường đứng mời các du khách người Trung Quốc mua hàng trước khi họ sang Việt Nam du lịch.
Anh Đặng Anh Tú (Móng Cái, Quảng Ninh), người bán tràng hạt, cho biết trước đây, anh làm lao động tự do ở Việt Nam. Vài năm nay, anh chuyển sang bán tràng hạt ở cửa khẩu nước bạn.
Công việc mới giúp anh kiếm được khoảng 400.000-500.000 đồng một ngày, cao gấp 2-3 lần so với trước đây.
Anh Tú kể: “Khi mới bước chân vào nghề, tôi không biết tiếng Trung, lại chưa quen buôn bán nên không bán được nhiều. Sau đó, tôi học tiếng và cách chọn khách, mời mua hàng nên bán được hơn. Công việc không quá vất vả, thu nhập cao hơn thời làm cửu vạn nên tôi gắng duy trì”.
Người đàn ông cho hay người Việt sang Đông Hưng kiếm sống rất nhiều nhưng đa số là bán hàng rong hay vác thuê hàng hóa. Cũng như anh Tú, nhiều người bám trụ mưu sinh tại cửa khẩu nước bạn vì mức thu nhập khá cao.
Dọc đường vào Cửa khẩu Đông Hưng, những gánh hàng rong của người Việt đặt la liệt trên vỉa hè. Các mặt hàng chủ yếu là bánh kẹo, hoa quả, trứng vịt lộn…
Chị Trần Thị Hằng (32 tuổi, người bán hàng rong) chia sẻ chị vốn là người tỉnh khác, lấy chồng ở Móng Cái, Quảng Ninh nên có giấy thông hành của cư dân biên giới.
Hàng ngày, chị cùng những người bán hàng rong khác sang Trung Quốc từ sáng sớm, lấy hàng gửi ở các cửa tiệm gần cửa khẩu bán đến chiều muộn rồi trở lại Việt Nam.
Theo chị Hằng, vì phải đi về trong ngày nên các lao động người Việt không sắm những xe đẩy bán hàng như người Trung Quốc. Thay vào đó, hàng hóa được bày trong đôi quang gánh, chiếc thúng tre hay ván gỗ để linh động và tiện dụng.
Chị tâm sự: “Người Việt Nam sang đây chủ yếu bán hàng rong nhỏ lẻ thôi. Người Trung Quốc thường có các cửa hàng lớn quanh cửa khẩu hay bán hàng trên xe đẩy. Các nghề xe ôm, chở hàng đều do người Trung Quốc làm cả”.
“Tôi bán các loại bánh kẹo thông dụng như bánh mì, bánh dày giò, kẹo lạc… với giá tương đương ở nhà. Giá cả ở bên này cũng không chênh nhiều so với Việt Nam”, chị Hằng nói thêm.
Vác thuê hàng hóa qua biên giới
Những người làm nghề vác thuê hàng hóa qua biên giới bắt đầu ngày làm việc từ sáng sớm, trước khi cửa khẩu Móng Cái mở cửa. Họ thường đến sớm, đứng ngồi ngổn ngang trước cổng cửa khẩu, chờ đợi những đoàn khách Trung Quốc trở về sau chuyến du lịch hay khách lẻ 2 nước đi thăm thân, công tác có mua nhiều hàng hóa đem về.
Khi gặp khách, họ vồ vập, gợi ý được vác thuê hành lý, hàng hóa. Nếu khách có nhu cầu, 2 bên sẽ trao đổi về cách thức vận chuyển và giá cả trước khi người vác thuê làm thủ tục xuất cảnh, chuyển hàng sang bên kia biên giới.
Các loại hàng được thuê vận chuyển thường là quà lưu niệm, đồ gỗ, hàng hóa tiêu dùng hay hành lý. Người vác thuê chuyển hàng qua các cửa xuất, nhập cảnh của 2 nước như mang hành lý xách tay của mình bằng giấy thông hành của cư dân biên giới.
Sau khi chuyển hàng sang biên giới, họ lại ngồi đợi quanh Cửa khẩu Đông Hưng, chờ khách thuê xách hàng sang Việt Nam. Những gói hàng được thuê chuyển thường có khối lượng lớn, nặng khoảng 20-50 kg, được vận chuyển chủ yếu bằng tay.
Trong khi đó, những người vác hàng thuê đa phần là phụ nữ khoảng 30-50 tuổi, sống gần cửa khẩu. Họ từ bỏ các việc lao động chân tay thông thường để làm công việc nặng nhọc, bù lại, nó đem đến mức thu nhập gấp 2-3 lần, thậm chí cao hơn.
Những người vác hàng thuê thường rất xởi lởi, hào hứng trò chuyện với du khách người Việt. Tuy nhiên, họ lại né tránh khi được hỏi về công việc cũng như mức thu nhập của bản thân.
Theo lời những người lao động ở cửa khẩu Đông Hưng, vác hàng thuê là một trong những công việc đem lại mức thu nhập cao nhất trong các nghề của cư dân biên giới tại đây. Người vác thuê có thể thu được 600.000-700.000 nghìn một ngày, thậm chí cả triệu đồng vào những dịp cao điểm.
Tuy nhiên, thu nhập của họ không ổn định vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của khách. Bên cạnh đó, những lần chuyển hàng có thể thất bại nếu hàng hóa không được thông quan, khi ấy, người vác thuê sẽ không được khách trả tiền dù đã bỏ ra nhiều công sức.
Ngoài ra, đây là công việc đòi hỏi thể lực, sứ chịu đựng cao và có thể gây ra những hệ lụy về sức khỏe nên không phải ai cũng dám làm. Những người đàn ông trẻ tuổi, cường tráng cũng phải e ngại công việc này.
Một phụ nữ trung niên, làm nghề vác hàng thuê qua biên giới gần 3 năm nay chia sẻ: “Nhiều hôm vác hàng mà lưng tôi như muốn khuỵu, hai tay mỏi nhừ, cả người đau nhức. Gặp hôm trời nắng mà hàng nặng thì khổ lắm. Vất vả là vậy nhưng còn đỡ hơn những hôm không có ai thuê chuyển hàng, ngồi đợi cả ngày mà công cốc”.
Theo Hoàng Như - Đức Phạm
Zing New