Malaysia và Thái Lan đang mạnh tay bắt giữ và trục xuất lao động nước ngoài bất hợp pháp.
Lao động sang Nhật Bản sẽ không phải đặt cọc
- Cập nhật : 14/06/2017
Không được phép thu tiền đặt cọc của thực tập sinh và doanh nghiệp phải công khai các khoản phí là nội dung chủ yếu trong Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) vừa ký giữa cơ quan hữu trách của Việt Nam và Nhật Bản.
tTổng chi phí mà người lao động muốn sang Nhật làm việc phải trả cho doanh nghiệp phái cử, chi phí môi giới trung gian lên tới 5.300 USD. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Thu tiền cọc không chống được lao động bỏ trốn
MOC quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Việt Nam và Nhật Bản trong việc thực hiện chương trình thực tập kỹ năng, như: phía Việt Nam kiểm tra và giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa thực tập sinh sang Nhật Bản; phía Nhật Bản cũng sẽ cấp phép cho các tổ chức quản lý Nhật Bản và cấp chứng nhận kế hoạch tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam cho các cơ sở, đơn vị Nhật Bản theo các tiêu chuẩn quy định trong Bản ghi nhớ.
Trước băn khoăn, nếu không thu phí sẽ không ràng buộc được trách nhiệm của người lao động, kéo theo tỷ lệ bỏ trốn của lao động sẽ tăng lên, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Chúng tôi đã đưa vấn đề này trao đổi với phía Nhật Bản, nhưng họ cho rằng, đây là quy định bắt buộc với tất cả các nước có lao động làm việc tại Nhật Bản, Việt Nam không phải là ngoại lệ”.
Ông Diệp cũng nhấn mạnh, việc thu phí của lao động chỉ là một trong những giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng bỏ trốn của lao động, chứ không phải là giải pháp căn bản. Thực tế là thu tiền cọc khá cao, nhưng rất nhiều lao động vẫn trốn ở lại sau khi hết hợp đồng, bởi về nước không có việc.
Lao động Việt cần tập trung học tiếng
Trong tổng số 282 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hiện có tới 236 doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang thị trường Nhật Bản.
Báo cáo từ Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây cho thấy, tổng chi phí mà người lao động muốn sang Nhật làm việc phải trả cho doanh nghiệp phái cử, chi phí môi giới trung gian lên tới 5.300 USD, trong khi, quy định của Cục Quản lý lao động ngoài nước là không quá 3.600 USD.
Cũng theo VERP, trong số 5.300 USD này, thông thường người lao động phải đi vay tới 4.700 USD. Đây là áp lực khá lớn đối với người lao động khi sang Nhật.
“Việc lao động phải chi phí quá nặng nề để trả nợ sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, vì 6-7 tháng đầu sau khi sang Nhật là thời gian người lao động phải làm quen, hòa nhập môi trường làm việc mới, trong đó quan trọng là nâng cao khả năng giao tiếp. Nếu quá chú trọng làm việc để trả nợ, không học tiếng, sau 1 năm người lao động sẽ không thể hòa nhập được xã hội”, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP nói.
Cũng theo ông Thành, hệ lụy cao hơn khi không biết tiếng khiến người lao động chỉ được làm những công việc giản đơn và không thể tích lũy được kinh nghiệm sau khi về nước.
Nhìn nhận thực tế này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, các nghiệp đoàn Nhật Bản cũng có phần trách nhiệm khi họ cắt giảm chi phí khi tiếp nhận lao động. “Theo quy định, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ vé máy bay một chiều cho lao động, doanh nghiệp Nhật sử dụng lao động Việt Nam phải trả cho doanh nghiệp Việt Nam đào tạo tiếng Nhật từ 50-80 USD/tháng, nhưng một số doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng không lấy tiền này để có được hợp đồng. Vì bớt tiền đào tạo tiếng, nên số giờ đào tạo bị cắt giảm”, ông Diệp nói.
Do đó, với thỏa thuận vừa ký, ông Diệp cho rằng, sẽ làm giảm áp lực cho người lao động và doanh nghiệp cũng phải hoạt động có chất lượng hơn và phải siết chặt khâu tuyển lao động thực sự có nhu cầu làm việc, có kỹ năng.
“Phía Nhật Bản cũng yêu cầu Việt Nam phải cung cấp danh sách những doanh nghiệp đủ năng lực được cấp phép đưa lao động sang thị trường này. Hiện chúng tôi đang rà soát để lựa chọn những doanh nghiệp thực sự có uy tín cung cấp cho phía Nhật Bản trong tháng 7 hoặc tháng 8 tới. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng về tài chính vì chúng ta sẽ lấy lại chính những khoản phí hỗ trợ từ doanh nghiệp Nhật Bản như thường lệ mà không bị cắt xén”, ông Diệp nhấn mạnh.
Phía Nhật Bản cũng sẽ cấp phép cho một cơ quan duy nhất lựa chọn những nghiệp đoàn có đủ uy tín để tiếp nhận lao động từ các doanh nghiệp phái cử của Việt Nam.
Với những điều khoản cụ thể trên, bản thỏa thuận này được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kỳ vọng sẽ siết được chất lượng doanh nghiệp và cả người lao động, từ đó kéo giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Nhật.
Hải Hà
Theo Baodautu.vn