Tỷ lệ lưu trú bất hợp pháp cao không chỉ làm xấu hình ảnh người Việt Nam cần cù, chịu khó mà còn làm gián đoạn chương trình hợp tác lao động, khiến hàng chục nghìn người mất cơ hội, theo ông Phạm Viết Hương, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước.
Chuyên gia dự báo kĩ sư là nghề 'dịch chuyển' nhiều nhất ASEAN
- Cập nhật : 15/01/2016
(Tin kinh te)
Trong 8 nhóm ngành lao động các nước thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được phép di chuyển tự do thì kĩ sư được dự đoán là ngành dịch chuyển nhiều nhất, theo ông Simon Matthews - chuyên gia tư vấn nhân sự.
-Thưa ông, trong 8 ngành nghề được tự do di chuyển trong khối ASEAN thì ngành nào sẽ thu hút được nhiều lao động nước ngoài đến Việt Nam nhất?
Ông Simon Matthews, Giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Manpower Group khu vực Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông. Ảnh: P.H.
- Tôi nghĩ đó là kĩ sư. Như ở Việt Nam có nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước nên nhu cầu tuyển dụng kĩ sư xây dựng, lọc hóa dầu... có tay nghề cao rất lớn. Hiện nay, định nghĩa về nhóm ngành nghề kĩ thuật được tự do di chuyển trong khối còn rất mơ hồ, kĩ sư có thể bao gồm các ngành nghề như kĩ sư xây dựng, chuyên gia công nghệ thông tin…Tôi nghĩ kĩ sư công nghệ sẽ là số một rồi đến kĩ sư xây dựng. Tiếp đến là người hành nghề du lịch khi Việt Nam đang phát triển lĩnh vực này, sau đến bác sĩ, y tá...
Lao động tự do di chuyển trong AEC không phải là bắt buộc mà mang tính khuyến khích. Lao động trong khu vực có xu hướng đến Việt Nam nhiều hơn nếu họ nhận được giấy phép làm việc thuận lợi, tương tự như đất nước khác trong khối. Một quốc gia sẵn sàng mở cửa đón nhận lao động hay không phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ khi lắng nghe doanh nghiệp cũng như mở rộng ưu đãi dành cho lao động.
-Khả năng thu hút lao động tay nghề cao từ các nước đến Việt Nam như thế nào trong khi Việt Nam chưa phải là môi trường có lương cao?
- Với lao động nhập khẩu, họ sẽ quan tâm thứ nhất là tiền lương, ngoài ra còn là các phúc lợi khác như nhà ở, sự thuận lợi để di chuyển gia đình, trường học cho con cái… Các khảo sát của chúng tôi cho thấy, khi người lao động di chuyển, họ muốn mức lương cao hơn từ 20 đến 30% so với hiện tại cùng với các phúc lợi khác.
Nếu các công ty không thể tìm được ai có đủ kĩ năng cần thiết ở trong nước thì họ sẵn sàng chi trả rất cao để lấy người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, các cá nhân trong công ty cũng sẽ dần hoàn thiện kĩ năng để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp thay vì phải thuê lao động nước ngoài. Như ở Thái Lan, lương cho lao động bản địa ngày càng tăng, thu hẹp khoảng cách tiền lương trả cho lao động trong nước với lao động nước ngoài. Việt Nam cũng vậy. Do đó, lao động nước ngoài chỉ đóng vai trò ngắn hạn trong thị trường lao động của Việt Nam.
- Ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của những lao động có bằng đại học và trên đại học đang tăng lên. Cơ hội cho họ như thế nào nếu tham gia vào dòng lao động di chuyển trong AEC?
- Thực ra, việc dịch chuyển lao động có tay nghề cao đóng một phần nhỏ trong sự dịch chuyển 3 nội dung lớn là vốn - hàng hóa - di chuyển lao động có tay nghề cao khi AEC được thành lập. Tác động của AEC là tạo nhiều việc làm hơn ở lĩnh vực lao động nội địa chứ không phải xuất khẩu lao động.
Hơn nữa, thất nghiệp do tình trạng chênh lệch cung - cầu giữa nhà tuyển dụng và người lao động sẽ không thể cải thiện ngay lập tức mà cần có thời gian. Tôi biết nhiều người lao động không tham gia vào thị trường vì họ có bằng cấp, đòi hỏi một công việc lý tưởng và đặt ra kỳ vọng quá cao. Ngược lại, nhiều người có bằng cấp lại không yêu cầu công việc lý tưởng mà chỉ tìm việc cho họ kinh nghiệm và được học hỏi. Lời khuyên của tôi cho lao động trên là hãy tìm công việc cho bạn nhiều kinh nghiệm và không ngừng được học hỏi.
- Vậy, lao động Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì để được di chuyển tự do trong khối này?
- Đầu tiên, để di chuyển trong AEC thì cần phải có chứng chỉ được công nhận, hay còn gọi là yêu cầu về mặt kỹ thuật cần được đảm bảo. Thứ hai là yêu cầu về ngôn ngữ, mà đa số là tiếng Anh, đi kèm những kỹ năng mềm khác, như làm việc nhóm, thích nghi với cường độ công việc cao. Sự chuẩn bị để thích nghi với khác biệt về văn hóa cũng quan trọng vì họ sẽ làm việc ở quốc gia khác trong một thời gian dài. Đây cũng chính là những rào cản khiến lao động Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động khi hội nhập AEC.
8 ngành nghề mà các nước thành viên ASEAN công nhận lẫn nhau và lao động tay nghề cao được phép tự do di chuyển bao gồm: kỹ thuật, kiến trúc, điều dưỡng, khảo sát, hành nghề y khoa, nha khoa, kế toán, du lịch, chỉ chiếm 1,5% tổng số việc làm trong khu vực. Hiện, ASEAN có 10 nước thành viên với hơn 600 triệu dân, chiếm khoảng 9% dân số, 10% lực lượng lao động, 3% GDP toàn thế giới. Riêng Việt Nam có trên 53 triệu lao động, dự báo đến năm 2025 sẽ có thêm 14,5 triệu lao động tìm được việc làm khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Phương Hòa ghi
Theo Vnexpress