Đối với công nhân nghèo, lương chỉ ba cọc ba đồng, đủ ăn qua ngày thì tăng mức đóng bảo hiểm xã hội thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng càng dồn họ vào thế khó...
40.000 người chưa thể sang Hàn Quốc vì lao động bất hợp pháp
- Cập nhật : 26/01/2016
(Tin kinh te)
Tỷ lệ lưu trú bất hợp pháp cao không chỉ làm xấu hình ảnh người Việt Nam cần cù, chịu khó mà còn làm gián đoạn chương trình hợp tác lao động, khiến hàng chục nghìn người mất cơ hội, theo ông Phạm Viết Hương, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước.
- Thưa ông, vì sao tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam lại đứng đầu trong số 15 nước phái cử lao động tại Hàn Quốc?
- Có nhiều nguyên nhân khiến lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép. Theo tôi, tình trạng này xuất phát từ ý thức kỷ luật của lao động Việt Nam kém hơn lao động tới từ các quốc gia khác.
Tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước ở thị trường Hàn Quốc khá cao, trung bình năm 2015 là gần 36%, đứng đầu 15 nước phái cử lao động tại đây. Cục đã tiến hành quyết liệt nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ từ 47,7% ở quý I xuống còn gần 32% trong quý III/2015, như ban hành 1.300 quyết định xử phạt hành chính lao động không chịu về nước với mức phạt tối đa 100 triệu đồng. Tính đến tháng 12/2015, có gần 1.200 người tự nguyện về nước để được miễn xử phạt.
Tuy nhiên, mức giảm trên vẫn chưa đáp ứng mong muốn của cả ta và Hàn Quốc. Phía bạn muốn tỷ lệ lao động bỏ trốn giảm xuống dưới mức 30% và về lâu dài bằng các nước xung quanh. Đây là điều kiện để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động Việt - Hàn sắp hết hiệu lực vào tháng 4/2016.
- Hiện nay tồn tại những hình thức lao động bất hợp pháp nào?
- Bên cạnh lao động hết hợp đồng không chịu về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp, còn có tình trạng người Việt Nam sang Hàn Quốc thông qua các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi. Những người này thường đi bằng visa du lịch hoặc thăm người thân, du học, kết hôn giả… chứ không phải visa lao động. Sau khi sang Hàn Quốc thì trốn ở lại cư trú và làm việc trái phép.
Người lao động ở Việt Nam cần tránh đi qua các tổ chức, cá nhân môi giới; tránh đi theo hình thức du lịch rồi bỏ trốn ở lại làm việc trái phép tại Hàn Quốc. Nếu bị bắt sẽ bị trục xuất ngay. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền, phạt tù...
- Dù bằng hình thức nào, lao động bất hợp pháp đang tạo nên hình ảnh không đẹp về lao động Việt Nam. Tình trạng đó đã ảnh hưởng thế nào đến việc đàm phán, ký kết hợp tác lao động giữa hai nước?
- Hiện, hợp tác cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam - Hàn Quốc được triển khai theo 3 chương trình: lao động đi theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS) do Trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện; lao động đi làm việc trên các tàu đánh cá của Hàn Quốc (bao gồm tàu đánh cá gần bờ và xa bờ) do các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa đi; lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao (Chương trình Thẻ Vàng). Lao động đi làm việc theo mỗi chương trình phải đáp ứng các điều kiện nhất định và phải đăng ký tại cơ quan, tổ chức có chức năng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo chương trình EPS, đến nay có hơn 75.000 lao động Việt Nam đi làm việc. Thu nhập cao, ổn định mang lại kinh tế cho người lao động, gia đình họ và cho cả đất nước. So với 14 quốc gia phái cử khác, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn. Số lao động Việt Nam được tiếp nhận chiếm hơn 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.
Nhưng từ cuối năm 2010, nhiều lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp khiến Hàn Quốc ngừng ký gia hạn Bản ghi nhớ và tạm ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam. Phía bạn chỉ ký 2 Bản ghi nhớ đặc biệt vào 12/2013 và tháng 4/2015, có hiệu lực đối với một số nhóm lao động, gồm: người đã thi đỗ trong các kỳ thi tiếng Hàn nhưng chưa được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn; lao động về nước đúng thời hạn và đạt một trong các kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt tổ chức sau tháng 12/2011 mà chưa được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.Như vậy, không chỉ làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam cần cù, chịu khó ở nước ngoài mà lao động bất hợp pháp còn khiến cho chương trình EPS bị gián đoạn, làm mất cơ hội đi làm việc của khoảng 35.000-40.000 lao động đã thi tiếng Hàn mà chưa được đi.
- Nhiều lao động Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc nói rằng chỉ cần né tránh các cuộc truy quét của cảnh sát, hạn chế phải đi làm thủ tục hành chính là có thể tránh việc bị bắt, phạt tù. Ông bình luận gì về điều này?
- Nhận định trên chưa có cơ sở chính xác. Trên thực tế, chính phủ Hàn Quốc triển khai các giải pháp rất quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp trên đất nước họ. Lao động cư trú bất hợp pháp có thể bị chính phủ Hàn Quốc xử phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Nếu không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt.
Lao động đã vi phạm quy định của luật kiểm soát nhập cư sẽ phải chụp ảnh, lấy dấu vân tay trước khi bị trục xuất để lưu vào hồ sơ của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị từ chối cấp visa và bị từ chối nhập cảnh.
Bên cạnh các hình thức xử phạt của Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam cũng thực hiện các chế tài đối với lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (cả Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và các nước khác) bỏ hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp.
- Dù đã đưa ra nhiều hình thức xử phạt lẫn khuyến cáo, thậm chí miễn xử phạt để lao động tự nguyện về nước, nhưng tỷ lệ lao động bất hợp pháp vẫn ở mức cao. Sắp tới, Cục có biện pháp nào để tham mưu cho Bộ cũng như Chính phủ nhằm giảm thiểu tình trạng trên?
- Các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục tuyên truyền, vận động, cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc để có cơ sở đàm phán, ký lại Bản ghi nhớ về hợp tác lao động với phía Hàn.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến trình Chính phủ danh sách tỉnh thành có đông lao động bất hợp pháp, như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Các tỉnh này có thể sẽ không được tham gia chương trình thỏa thuận hợp tác lao động Việt - Hàn nếu không hạn chế được số lao động bỏ trốn.
Phương Hòa thực hiện
Theo Vnexpress