tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hút thêm vốn đầu tư từ Mỹ

  • Cập nhật : 19/12/2017

Dù từng thể hiện kỳ vọng trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam nhưng các khoản đầu tư từ Mỹ vẫn còn rất khiêm tốn.

du tung the hien ky vong tro thanh nha dau tu so 1 tai viet nam nhung cac khoan dau tu tu my van con rat khiem ton.

Dù từng thể hiện kỳ vọng trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam nhưng các khoản đầu tư từ Mỹ vẫn còn rất khiêm tốn.

Nảy sinh hình thức mới

Theo số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 10.2017, các nhà đầu tư Mỹ đã rót vào Việt Nam khoảng gần 10 tỉ USD vốn FDI, đứng thứ 9 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Con số này khá khiêm tốn nếu so sánh với các nước và vùng lãnh thổ đang có vốn FDI đổ vào Việt Nam như Hàn Quốc (57 tỉ USD), Nhật (46,3 tỉ USD), Singapore (41,7 tỉ USD), Đài Loan (30,8 tỉ USD)... Vì sao các nhà đầu tư Mỹ chưa mặn mà đầu tư vào Việt Nam dù các khảo sát cho thấy họ đánh giá cao cơ hội làm ăn tại Đông Nam Á cũng như tại Việt Nam?

Câu hỏi này được ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, trả lời trong Hội thảo “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Ông cho biết về sự cần thiết tạo ra một môi trường kinh doanh tốt, thông qua những hành động thực tế, giúp tăng năng suất và giảm chi phí, rủi ro khi kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, các thành viên AmCham tại Việt Nam thường gặp phải việc thực thi chính sách không đồng nhất, không hiệu quả và đối xử không công bằng giữa các khu vực. Trong một số trường hợp, các hiện tượng này còn “nảy sinh những hình thức mới”, ông Adam Sitkoff nhấn mạnh tại Hội thảo.

Hut them von dau tu tu My

 

Nói cách khác, theo ông Adam Sitkoff, các thành viên của AmCham còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, ông Adam Sitkoff dẫn chứng Dự thảo Luật An ninh mạng và cho là “rất đặc biệt”, khi ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, dự thảo cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên internet, mặc dù điều này đã được quy định bởi các luật khác. Ngoài ra, quy định trong Dự thảo Luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những “không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết” cho các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Ông Adam Sitkoff cũng lưu ý, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược. Việc thi hành Nghị định này, theo ông Adam Sitkoff, sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu USD và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết.

Theo đại diện AmCham, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt cũng là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Trong khi đó, yêu cầu xác nhận việc công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của ngành thực phẩm và nước giải khát, dẫn đến việc tốn một khoản chi phí cao hơn mà không đem lại bất kỳ giá trị nào cho việc quản lý an toàn thực phẩm. AmCham cũng lưu ý, khi tiến hành thực hiện Bộ Luật dân sự mới của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định ngân hàng mới tạo ra những thách thức đáng kể cho các công ty nước ngoài.

Thông tư số 23/2014/TT-NHNN và Thông tư số 32/2016/TT-NHNN không còn cho phép các tổ chức nước ngoài trực tiếp mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNN còn hạn chế khả năng tài trợ linh hoạt và hợp lý thông qua các cơ sở không cam kết và ảnh hưởng đến khả năng của ngân hàng trong nước hợp tác với các ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam.

Vốn chất lượng từ Mỹ

Việt Nam cần vốn nhưng quan trọng hơn, theo giới chuyên gia, là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế thu hút vốn FDI 30 năm qua của Việt Nam cho thấy, dòng vốn đầu tư từ Mỹ, châu Âu hay Nhật đáp ứng được yêu cầu này. Đặc biệt, khi Việt Nam cần tập trung vào những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng như công nghệ thông tin, điện tử, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)... Những khoản đầu tư của Intel, General Electric, Ford... cho thấy rõ điều này.

Ông Adam Sitkoff cho biết, những thách thức của việc thay đổi chính sách và pháp luật khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư, làm sự gia tăng quan ngại đến những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Theo ông, các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam cần Việt Nam có những nỗ lực cải cách để tạo ra một môi trường công bằng hơn và cạnh tranh hơn. Ông tin khi đó, các quyết định mới được đưa ra nhanh hơn, thủ tục ít phức tạp hơn, các quy tắc được thực hiện một cách công bằng và các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên giá trị của chính doanh nghiệp, bao gồm cả việc tiếp cận đất đai và các cơ hội.

“Khu vực đầu tư nước ngoài cũng có những đóng góp tích cực đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, chiếm 20% GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu”, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.

Tính chung trong 11 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỉ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, vốn tại chỗ tăng thêm cũng tăng trên 50%, góp vốn mua cổ phần cũng tăng trên 50%, giúp tăng khả năng quản trị và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Thế nhưng, ông Nguyễn Nội cũng thừa nhận: “Việc thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều bất cập cần điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới”, trong khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ dẫn đến cạnh tranh gay gắt và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh đang dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu, xu hướng đầu tư FDI.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Nước ngoài, nhìn nhận vấn đề hạn chế đầu tư từ Mỹ là do tính minh bạch trong quan hệ đầu tư, quan hệ kinh tế cũng như các thủ tục hành chính. Mặt khác, năng lực tiếp thu các luồng vốn ở Việt Nam còn hạn chế khiến các nhà đầu tư Mỹ chùn chân. “Khi họ đầu tư vào Việt Nam mang theo vốn, công nghệ nhưng chúng ta hấp thu nguồn vốn đấy như thế nào, nhân lực chúng ta như thế nào để có thể bắt kịp được công nghệ, rồi vấn đề cơ sở hạ tầng...”, ông Toàn đặt vấn đề.

Ngoài ra, đại diện của AmCham cũng nhận định rằng trong một số lĩnh vực còn mới như năng lượng sạch, môi trường... các quy định của Việt Nam dành cho nhà đầu tư chưa nhiều nên dòng vốn chưa chảy vào đây.


Hải Vân
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục