Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Quốc hội đánh giá, việc giữ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 thấp hơn so với dự toán và giảm mức vay của NSNN 9.749 tỷ đồng đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong quản lý, điều hành.
TS. Trần Du Lịch: 'Các ưu đãi dành cho đặc khu chỉ ở mức trung bình'
- Cập nhật : 07/05/2018
“Theo tôi, các ưu đãi về chính sách của chúng ta cũng chỉ ở mức trung bình so với các đặc khu khác trên thế giới. Tức là không thái quá nhưng so sánh với các địa bàn khác, nó có lợi thế để thu hút đầu tư”, TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trao đổi với BizLIVE.
Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang được chọn là những địa điểm thí điểm xây dựng các vùng đặc khu kinh tế. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tôi cho rằng việc thí điểm đặc khu ở 3 địa điểm trên là phù hợp. Tôi có nghiên cứu các đề án và thấy rằng mỗi địa điểm đều có một yếu tố để hướng tới sự phát triển mang tới tính đặc thù.
Ví dụ, Phú Quốc mang tính đặc trưng cho phát triển du lịch và là một điểm nhấn có thể cạnh tranh với các trung tâm du lịch trong khu vực, phát huy được thế mạnh của vùng biển phương Nam quanh năm thuận lợi về nắng gió.
Hay khi chọn Vân Phong trước đây chúng ta cũng đã bàn rất nhiều. Ở đây hướng tới sự phát triển lâu dài, hình thành một cảng nước sâu và các dịch vụ khác. Với quy mô lớn như vậy, nó sẽ hình thành một đô thị phát triển trong tương lai, tạo thành điểm nhấn để phát triển khu vực miền Trung.
Hay Vân Đồn có một đặc điểm như bán đảo. Hiện có một số công trình đầu tư, tôi cho rằng nếu phát triển kinh tế đặc khu thì những dự án đang phát triển sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư vào, tạo thành điểm nhấn ở một cực phía Bắc. Vì vậy, tôi cho rằng việc lựa chọn trước mắt ở 3 địa điểm như vậy, với quy mô phát triển như vậy là phù hợp.
Chính phủ mới đây đã soạn thảo dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ông đánh giá thế nào về những ưu đãi mà dự thảo luật đưa ra?
Nghiên cứu dự thảo luật cuối cùng của Chính phủ về các chính sách, tôi thấy tập trung vào mấy loại lớn, chính sách liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nhập cảnh... là những cái phần lớn các đặc khu đều hướng tới cái đó.
Theo tôi, các ưu đãi về chính sách của chúng ta cũng chỉ ở mức trung bình so với các đặc khu khác trên thế giới. Tức là không thái quá nhưng so sánh với các địa bàn khác, nó có lợi thế để thu hút đầu tư ở mức độ nhất định.
Tôi nghĩ rằng chính sách như vậy vừa ổn. Tuy nhiên, có một điểm về thời điểm giao đất, tôi cho rằng thời gian giao đất từng thảo luận 99 năm là không cần thiết. Vì cái ưu đãi, tính hấp dẫn không phải là thời hạn giao đất, do đó nên áp dụng cơ chế giao đất tối đa là 70 năm.
Ông vừa đánh giá các ưu đãi ở các vùng đặc khu được đưa ra ở mức trung bình. Việc này có ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư không, thưa ông?
Tôi cho rằng việc thu hút nhà đầu tư nếu như dòng đầu tư hiện nay so với vùng còn lại ở các vùng kinh tế ven biển thì những chính sách như vậy ở mức độ có thể được.
Tôi tin rằng, việc thu hút đầu tư không chỉ có chính sách ưu đãi mà nó còn liên quan đến vấn đề cơ chế hành chính, quản trị công và nhiều yếu tố nữa chứ không phải chỉ có ưu đãi về thuế hay là đất. Theo tôi, chúng ta phải nhìn cái ưu đãi và tính đặc thù ở đây là khu hành chính kinh tế chứ không phải chỉ là đặc khu kinh tế.
Hiện trên thế giới đã có rất nhiều đặc khu ra đời. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới tính đến việc thí điểm thành lập các khu đặc khu. Vậy khi thí điểm sau như vậy, chúng ta có ngại sẽ ít tính cạnh tranh?
Chúng ta không nên nói là quá chậm hay sớm mà cần đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước. Mỗi nơi có một thuận lợi của nó.
Việt Nam không chỉ có thuận lợi về chính sách ưu đãi mà còn có những thuận lợi khác, ngay trong đất liền hiện nay cũng là một điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài và nhiều yếu tố khác cho nên chúng ta không ngại rằng đặc khu ít tính cạnh tranh.
Hiện có một số ý kiến cho rằng nếu chọn sai vị trí việc thí điểm các đặc khu sẽ thất bại. Đồng thời, gợi ý nên chọn Hòa Lạc (Hà Nội) và Thủ Thiêm (TP.HCM) để thí điểm các đặc khu sẽ tốt hơn. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tôi cho rằng không nên đặt vấn đề như vậy bởi khi thực hiện chính sách nên ở những địa bàn có ranh giới hành chính và vùng khó khăn. Còn với Thủ Thiêm thì không cần ưu đãi người ta cũng đổ xô vào.
Tuy nhiên, nếu chúng ta hướng vào chỉ phát triển công nghệ cao, công nghệ 4.0 thì tôi nghĩ có thể chọn ở những khu khác. Ví dụ, như trường hợp Incheon (Hàn Quốc), họ tập trung phát triển công nghệ cao chẳng hạn.
Mặc dù vậy, chính sách hiện nay đang thiếu một vấn đề, đó là khi chúng ta đặt đặc khu để thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng cần hướng tới các nhà đầu tư ở vùng nào? Ở châu Âu, Bắc Á, Đông Âu hay vùng nào? Bởi mỗi nhà đầu tư có đặc điểm khác nhau, thành ra chỗ này cần phải nghiên cứu thêm là mỗi đặc khu nên hướng tới việc thu hút mỗi nhà đầu tư như thế nào.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
XUÂN TÙNG
Theo Bizlive.vn