Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, bội chi ngân sách nhà nước giảm đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước...
Áp lực nợ công đã giảm?
- Cập nhật : 17/05/2018
Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Quốc hội đánh giá, việc giữ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 thấp hơn so với dự toán và giảm mức vay của NSNN 9.749 tỷ đồng đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong quản lý, điều hành.
Theo báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2017 vừa qua tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tổng thu NSNN năm 2017 thực hiện đạt 1.288,66 nghìn tỷ đồng, tăng 76,48 nghìn tỷ đồng (6,3%) so dự toán, tăng 49,16 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 25,73% GDP.
Thu ngân sách trung ương (NSTW), không kể số vượt thu viện trợ chi cho các dự án, giảm khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng so dự toán, thu ngân sách địa phương (NSĐP) tăng khoảng 78 nghìn tỷ đồng so dự toán, có 55/63 địa phương thu đạt và vượt dự toán. 8 địa phương không đạt dự toán chủ yếu do nguyên nhân khách quan như tỉnh Vĩnh Phúc giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm thu thuế tài nguyên do sản lượng khí đồng hành khai thác giảm; Cần Thơ giảm thu từ thuốc lá do sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm; Cà Mau giảm thu từ cụm Khí - Điện - Đạm; Hà Giang giảm thu từ sản xuất kinh doanh thủy điện do thời tiết không thuận lợi…
Tuy nhiên, nếu không kể thu tiền sử dụng đất và các khoản thu không tính cân đối, có 30/63 địa phương đạt và vượt dự toán thu cân đối NSĐP khoảng 17,88 nghìn tỷ đồng, 33 địa phương hụt thu cân đối NSĐP khoảng 13,2 nghìn tỷ đồng so dự toán.
Tổng chi năm 2017 đạt 1.462,96 nghìn tỷ đồng, tăng 72,48 nghìn tỷ đồng (5,2%) so với dự toán, tăng 49,16 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, UBTCNS cơ bản thống nhất và cho rằng 2017 là năm đầu tiên triển khai theo Luật NSNN năm 2015 và nhiệm vụ tài chính, NSNN được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều yếu tố không thuận. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, ngành, DN... tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực hơn. Do đó, số thu NSNN quý IV đã tăng cao so với cùng kỳ những năm gần đây, kết quả thu NSNN năm 2017 khả quan hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.
Như vậy, bốn khoản thu chủ yếu của NSNN đều đạt và vượt dự toán, cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Kết quả thu NSNN này cho thấy những nỗ lực cao của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện và sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Việc chi NSNN cơ bản đã chấp hành kỷ luật tài chính. Tỷ lệ tăng chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên ở mức hợp lý so với dự toán, chủ yếu từ nguồn dự phòng NSNN và tăng thu NSNN theo đúng quy định. Chi thường xuyên tăng 1,2% so với dự toán trong điều kiện nhu cầu chi khá lớn, nhiều nhiệm vụ cấp bách phát sinh do thiên tai, chi bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội là khá hợp lý.
Đánh giá chung về cân đối NSNN, UBTCNS cho rằng, trong điều kiện NSTW không đạt dự toán, đồng thời phải sử dụng 4.802 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW để xử lý bù giảm thu năm 2017, việc giữ bội chi NSNN thấp hơn so với dự toán và giảm mức vay của NSNN 9.749 tỷ đồng đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong quản lý, điều hành.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 31/12/2017, ước tính dư nợ công bằng khoảng 61,4% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 49% GDP. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép. Danh mục trái phiếu Chính phủ (TPCP) được cải thiện cả về kỳ hạn và lãi suất; cơ cấu dư nợ vay trong nước chiếm khoảng 60% tổng dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài chiếm khoảng 40%; đa dạng hóa các nhà đầu tư (tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của NHTM giảm còn 54% từ khoảng 78% cuối năm 2016). Qua đó, giảm đáng kể áp lực về nợ công so với các năm trước.
Tuy nhiên, UBTCNS cũng lưu ý như thu từ nội tại nền kinh tế còn chưa thật sự bền vững do thu từ cả 3 khu vực DNNN, DN FDI và kinh tế ngoài quốc doanh thấp hơn so với dự toán. Số tăng thu đạt được chủ yếu là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất, tăng từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của DNNN…
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB, vốn TPCP năm 2017 còn chậm hơn năm 2016. Chi đầu tư XDCB nguồn NSNN giải ngân chỉ đạt 86,3% dự toán, thấp hơn so với năm 2016 (91,1%). Vốn TPCP chỉ giải ngân được 41,2% (năm 2016: 67,4%). Trong bối cảnh triển khai dự toán NSNN năm 2017 phải hạn chế bố trí dự toán cho dự án khởi công mới, ưu tiên tập trung cho trả nợ và các dự án hoàn thành, chuyển tiếp thì cần phải phân tích thật kỹ nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm...
Trần Hương
Theo Thời Báo Ngân Hàng