Tính riêng tháng 12/2015 cả nước nhập siêu khoảng 570 triệu USD; thâm hụt thương mại cả năm 2015 ước đạt 3,54 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường dược phẩm Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
- Cập nhật : 16/01/2016
(Kinh te)
Ông Andrew Powrie-Smith - Giám đốc Truyền thông của Liên đoàn ngành công nghiệp và Hiệp hội Dược phẩm châu Âu (EFPIA) cho rằng nếu có chính sách ưu đãi phù hợp, các công ty dược phẩm nước ngoài sẽ quan tâm hơn đến việc đầu tư phát triển tại thị trường Việt Nam, với quy mô đầu tư sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng quốc gia và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Powrie-Smith cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo người dân trong nước được tiếp cận với các loại thuốc mới phát minh có chất lượng cao và an toàn.
- Thưa ông, tại sao thị trường dược phẩm Việt Nam lại trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài?
- Ông Andrew Powrie-Smith: Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ với tốc độ tăng trưởng GDP xếp hạng trên trung bình, có dân số đông thứ 3 trong khu vực ASEAN, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Nhận thức của người dân Việt Nam về các loại dịch bệnh cũng được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây. Một nửa dân số trong độ tuổi dưới 30 và sẽ bước vào giai đoạn già hóa trong 15 năm tới.
Do vậy, đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh các hoạt động về giáo dục sức khỏe và triển khai các kế hoạch chiến lược nhằm đảm bảo người dân Việt Nam đã và đang tiếp cận với các loại thuốc mới phát minh có chất lượng cao và an toàn.
- Làm cách nào để cải thiện chất lượng của thuốc sản xuất tại Việt Nam trong khi chúng ta đang phụ thuộc vào các loại thuốc nhập khẩu?
- Ông Andrew Powrie-Smith: Hiện nay, mỗi quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức khác nhau trong việc đảm bảo chất lượng của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Sự cân bằng giữa các loại thuốc phát minh và thuốc generics đóng vai trò quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu điều trị y tế trong điều kiện hạn chế về tài chính, trong khi đem đến sự lựa chọn cho các bác sỹ và bệnh nhân trong điều trị.
Tại Việt Nam, thị phần của các công ty dược trong nước đã đạt gần mức trung bình về mặt giá trị và cao hơn mức trung bình về mặt số lượng so với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, Pharma Group (Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu) đại diện cho 22 công ty dược phẩm đa quốc gia với mục tiêu chung nhằm đảm bảo người dân Việt Nam được tiếp cận nhanh chóng và bền vững với các loại thuốc mới phát minh có chất lượng cao và an toàn.
Pharma Group cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm áp dụng kinh nghiệm toàn cầu và sự am hiểu thị trường địa phương giúp tìm ra giải pháp cho các vấn đề y tế phức tạp và tạo nền tảng xây dựng một quốc gia khỏe mạnh.
- Ông có suy nghĩ gì về những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc giải quyết các rào cản liên quan đến quy định về nhập khẩu và phân phối thuốc tại Việt Nam?
- Ông Andrew Powrie-Smith: Bộ Y tế và các doanh nghiệp dược tuy ở vị thế khác nhau nhưng vẫn có chung tầm nhìn và mục tiêu là đảm bảo bệnh nhân được tiếp cận với thuốc an toàn và chất lượng.
Như tôi đã từng đề cập, chính phủ cần cả các công ty dược phát minh cũng như công ty dược generics nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, trong khi mang đến sự lựa chọn cho các bác sỹ và bệnh nhân trong việc điều trị.
Do đó, Pharma Group rất hoan nghênh những phát triển về chính sách trong lĩnh vực y tế thời gian gần đây, từ đó có thể thấy Việt Nam đã khởi tạo một hành trình đầy tham vọng trong việc phát triển ngành công nghiệp dược phẩm trong nước, đồng thời khuyến khích sự hợp tác với các công ty dược đa quốc gia.
- Pharma Group có thể mang đến những gì để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm trong nước?
Ông Andrew Powrie-Smith: Pharma Group giữ vững cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này, và tin rằng kinh nghiệm của chúng tôi từ các quốc gia khác có thể được vận dụng như một sự định hướng hữu ích trong việc thiết kế các giải pháp toàn diện “đôi bên cùng có lợi,” với mục tiêu bao quát là phát triển ngành y tế và ngành dược tiêu chuẩn cao, lấy người bệnh làm trọng tâm.
Nếu có chính sách ưu đãi phù hợp, các công ty dược phẩm nước ngoài sẽ quan tâm hơn đến việc đầu tư phát triển tại thị trường Việt Nam, với quy mô đầu tư sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng quốc gia và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi tin rằng Việt Nam là điểm đến phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nếu như có một tín hiệu khuyến khích đầu tư rõ ràng hơn cho các công ty dược đa quốc gia, đó chắc chắn là động lực cho sự gia tăng đáng kể đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới./.