Hơn 90% DN Việt Nam là nhỏ và vừa, nếu muốn vươn lên và cạnh tranh bình đẳng với các DN trong khu vực, cần phải hành động ngay.
TGĐ Tổng công ty Đường sắt: SunGroup và VinGroup đã khảo sát đầu tư, nhưng phải có cơ chế
- Cập nhật : 08/01/2016
(Kinh te)
Do đặc thù đường sắt khác với đường bộ, nên nếu áp dụng cơ chế đầu tư công tư (PPP), thì phải mất 2 năm mới làm xong được, nên sẽ không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
Hiện hai nhà đầu tư là SunGroup và VinGroup đã vào nghiên cứu khảo sát nhưng vấn đề là phải có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân này. Đó là quan điểm được ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đưa ra khi nói về vấn đề thu hút đầu tư tư nhân vào ngành đường sắt.
Theo ông Tùng, hiện hai Tập đoàn lớn này đã trực tiếp cử cán bộ, kỹ sư cùng Tổng công ty Đường sắt khảo sát, nghiên cứu các đoàn tàu hiện đại của các nước để đưa về, vận dụng phục vụ cho phát triển giao thông đường sắt.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng việc thu hút được phải có cơ chế rõ ràng và minh bạch, đảm bảo hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư. Cũng bởi, đặc thù đường sắt khác với đường bộ, nên nếu áp dụng cơ chế đầu tư công tư (PPP), thì phải mất 2 năm mới làm xong được, nên sẽ không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
“Đường sắt kiến nghị là phải có cơ chế đặc thù riêng, làm sao đảm bảo hoàn vốn và dự án hiệu quả cho nhà đầu tư thì mới thu hút được” – ông Tùng đề xuất.
Những áp lực đổi mới, tái cơ cấu ngành đường sắt trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp này có những bước phát triển mà theo đánh giá của chính người trong cuộc là “chưa từng có”.
Ông Tùng chia sẻ, 2 năm qua là giai đoạn hết sức khó khăn của Tổng công ty và toàn ngành, mà nếu không có sự thay đổi tự nhân, quản trị lại hệ thống tổ chức sản xuất thì chắc chắn doanh nghiệp không thể tồn tại.
“Với sự chỉ đạo sát sao Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp đã từng bước cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiệm vụ chính tái cơ cấu và đổi mới mô hình tổ chức sản xuất theo đề án Chính phủ phê duyệt, song chúng tôi đã vượt kế hoạch đề án đưa ra” – ông Tùng cho biết.
Dẫn chứng, theo yêu cầu của Chính phủ thì Tổng công ty Đường sắt phải tiến hành cổ phần hóa 2 doanh nghiệp. Thế nhưng, trên thực tế thì trong 2 năm qua doanh nghiệp này đã hoàn thành cổ phần hóa được 26 doanh nghiệp, tức là tự đề xuất tăng thêm số đầu mối cổ phần hóa.
Vị Tổng giám đốc của Tổng Công ty Đường sắt bộc bạch thêm: “Với ngành có bề dày lịch sử hơn 100 năm, thay đổi chậm, nên chúng tôi xác định giữ mô hình cũ thì không thể phát triển mà đã tự đề xuất và đề ra kế hoạch táo bạo, cổ phần hóa thêm 24 doanh nghiệp”.
Cùng với quá trình cổ phần hóa, Tổng công ty Đường sắt cũng đã thoái vốn ở 13 doanh nghiệp. Với kế hoạch đặt ra là 30 doanh nghiệp, ông Tùng cho biết sẽ hoàn thành trong quý I/2016.
Để thu hút khách hàng, công ty cũng đưa ra nhiều tiêu chí để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và năng lực cạnh tranh. Ông Tùng cho rằng, nếu ngành đường sắt không thay đổi, và vẫn vận hành như trước đây thì sẽ không thể có khách, đặc biệt khi ngành hàng không phát triển mạnh mẽ và đưa ra các sản phẩm giá rẻ phục vụ khách hàng.
Trong năm 2016, ông Tùng cho biết Tổng công ty sẽ thực hiện theo chiến lược phát triển mà Chính phủ đã phê duyệt, mà tập trung vào nhiệm vụ là hiện đại hóa tuyến đường sắt hiện có, nâng chất lượng chạy tàu khách từ 80 – 90 km/h với và chạy tàu hàng là 50 – 60 km/h.
Theo đó, sẽ tập trung xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam. Đây là dự án đòi hỏi nguồn lực lớn trong việc thực hiện, lại không thể trông chờ ngân sách nên Công ty sẽ phải tự đề xuất cơ chế thu hút nguồn lực xã hội.
Trong năm 2015 tổng công ty đã đề xuất cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm thu hút nguồn lực xã hội, tăng năng lực xếp dỡ và khả năng kết nối các phương tiện vận tải.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy chế để thay đổi quản trị doanh nghiệp, làm sao tạo ra sự bình đẳng và minh bạch, thu hút các thành phần kinh tế khác, khai thác kết cầu đường sắt quốc gia.
Theo đó, từ năm 2016 trở đi tổng công ty sẽ tập trung mảng kinh doanh chính là kết cấu hạ tầng. Ông Tùng cho biết hiện tổng công ty đang tập trung xây dựng kết cấu mở, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút các thành phần khác cùng vào đầu tư, cung cấp dịch vụ giao thông vận tải và nâng cao thị phần vận tải đường sắt.
Do đó, với một số nhà đầu tư tư nhân lớn đang muốn tham gia vào mảng kinh doanh này như VinGroup và SunGroup, đại diện của Tổng Công ty đường sắt cho rằng cần phải có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư.
Chủ trương thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt là đầu tư tư nhân vào ngành giao thông vận tải và ngành đường sắt nói riêng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ. Theo đó, Thủ tướng cho rằng ngành cần phải xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, từ đó đề xuất Chính phủ để tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư tham gia vào hạ tầng giao thông.