Để được hưởng lợi thuế suất từ 18% xuống 0%, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế hàng nhập khẩu.
Chi ngân sách vượt ngưỡng 1 triệu tỉ đồng
- Cập nhật : 03/12/2015
(Kinh te)
Mặc dù thu ngân sách cao hơn cùng kỳ nhờ tăng mạnh khoản thu từ thuế môi trường, thuế sử dụng đất nông nghiệp…song vẫn không đủ bù chi, khiến ngân sách nhà nước 11 tháng thâm hụt xấp xỉ 155.600 tỷ đồng.
Chi trả nợ nhiều hơn cả đầu tư phát triển
Báo cáo của Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, với mức chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 11 ước đạt 97.300 tỷ đồng, tổng chi 11 tháng năm 2015 đã chính thức vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng (1.015.700 tỷ đồng), tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2014.
Trong cơ cấu chi thì phần chi cho đầu tư phát triển tháng 11 ước 14.000 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 14% tổng chi ngân sách trong tháng. Luỹ kế 11 tháng, con số này đạt 151.900 tỷ đồng, tăng 7,5% cùng kỳ năm 2014, nhưng chỉ chiếm xấp xỉ 15% trong tổng chi ngân sách.
Đáng chú ý là phần chi trả nợ và viện trợ trong tháng 11 được dành khoảng 15.100 tỷ đồng. Như vậy, con số này cao hơn so với số ngân sách dành cho đầu tư phát triển trong tháng 11. Luỹ kế chi trả nợ, viện trợ trong 11 tháng đạt 142.400 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2014.
Phần ngân sách chi cho kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hành chính trong tháng 11 ước đạt 67.300 tỷ đồng, chiếm tới gần 70% tổng chi. Lũy kế 11 tháng, con số này đạt 712.500 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong khi đó, trong tháng 11, ngân sách nhà nước thu về 78.700 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 860.100, ghi nhận tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, trong tháng 11, cán cân NSNN thâm hụt 18.600 tỷ đồng và lũy kế 11 tháng thâm hụt xấp xỉ 155.600 tỷ đồng, bằng 69% dự toán năm.
Thu vượt dự toán nhờ thuế môi trường, nhà, đất
Phần thu nội địa mang về 57.800 tỷ đồng, chỉ bằng 73,5% so với tháng trước, tương ứng giảm khoảng 20.800 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân chủ yếu do một số sắc thuế và khoản thu ngân sách phát sinh quý III đã tập trung kê khai, thu nộp trong tháng 10.
Lũy kế 11 tháng, thu nội địa đạt 642.700 tỷ đồng và đã vượt dự toán cả năm.
Theo Bộ Tài chính, đã có tới 10/14 khoản thu đã đạt và vượt dự toán năm. Trong đó, thu thuế bảo vệ môi trường đạt 185,9% dự toán; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 154,5% dự toán; thu khác ngân sách đạt 154,2% dự toán; các khoản thu về nhà, đất đạt 143,1% dự toán; lệ phí trước bạ đạt 127,8% dự toán. Các khoản thu còn lại cũng đạt trên 88% dự toán.
Trong khi đó, thu từ dầu thô tháng 11 chỉ khoảng 4.200 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 60.570 tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán. Phần thu này giảm dù sản lượng dầu thanh toán 11 tháng vẫn cao hơn 3,4% so với kế hoạch, xấp xỉ 15,28 triệu tấn. Tuy nhiên, giá dầu thanh toán bình quân lại chỉ ở mức 57 USD/thùng, giảm 43 USD/thùng so giá dự toán.
Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam diễn ra ngày 2/12, ông Sebastian, chuyên gia kinh tế của World Bank cho rằng: “Tình trạng mất cân đối tài khoá đã tích tụ từ nhiều năm trước cần được giải quyết thì mới có thể đảm bảo bền vững tài chính công”.
Theo đó, Chính phủ đang tìm cách tăng cường kỷ luật tài khoá, tăng cường quản lý thuế và mở rộng diện thu thuế. Ngoài ra chính phủ cũng cố gắng kiểm soát chi thường xuyên và thắt chặt kiểm soát các khoản đầu tư công mới. Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi sẽ góp phần tăng cường quản lý tài khoá.
Trong bối cảnh có nhiều áp lực cho tài khóa như hiện nay, TS.Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế của World Bank cho rằng, để cân đối thu ngân sách, nhất là bù đắp thiếu hụt do giá dầu sụt giảm, không nên tạo ra các khoản thu mới mà nên mở rộng cơ sở thu. Chẳng hạn như đánh thuế môi trường, thuế thu nhập từ đấu giá tài sản…