Mặc dù thu ngân sách cao hơn cùng kỳ nhờ tăng mạnh khoản thu từ thuế môi trường, thuế sử dụng đất nông nghiệp…song vẫn không đủ bù chi, khiến ngân sách nhà nước 11 tháng thâm hụt xấp xỉ 155.600 tỷ đồng.
Nhà nước còn coi mình là… ông chủ, doanh nghiệp còn thiệt thòi?
- Cập nhật : 02/12/2015
(Kinh te)
“Nghị định 15 về hợp tác công-tư quy định trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước làm sai thì phải đền bù thiệt hại, tuy nhiên sẽ còn gian nan lắm, vì quản lý Nhà nước sợ mất quyền, không muốn mất quyền”- Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Tăng cho biết.
Các nguyên nhân về chính sách, vấn đề giàng buộc hợp đồng, cơ chế vốn, lãi suất ngân hàng, áp lực thi công, không có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước… là lí do khiến các nhà đầu tư thấy “chán” làm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Bởi vậy, tại Hội thảo Vốn để phát triển hạ tầng giao thông nhu cầu và giải pháp, diễn ra hôm qua (7/9), nhiều nhà đầu tư đã thú nhận rằng họ đang ở “thế khó”!
Đang tham gia đầu tư vào các dự án BOT giao thông, nhưng ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Công ty Tasc thừa nhận rằng: “Đầu tư vào các dự án BOT giao thông đang rất nghiệt ngã, lợi nhuận định mức thấp trong khi rủi ro cao”.
Theo Chủ tịch Công ty Tasco Phạm Quang Dũng, 3 năm qua ngành giao thông đã rất thành công với việc hút được một lượng tài sản khổng lồ đổ vào các dự án BOT. Song ông nhấn mạnh, quãng thời gian vừa qua là “điểm trũng của thị trường”, khi doanh nghiệp không biết đầu tư vào đâu nên đành lao vào các dự án giao thông để có việc làm và giữ người lao động.
Dù Tasco đang làm 5 dự án BOT, nhưng vị đại diện Công ty cũng bày tỏ sự chán ngán khi doanh nghiệp làm BOT giao thông đang bị “ép” từ mọi phía.
“Cơ quan nhà nước có thẩm quyền “ép” nhà đầu tư giảm thiểu chi phí đầu tư ự án trong đó rõ nhất là lãi suất bảo toàn vốn chủ sở hữu vừa bị “chốt” ở mức 11,5%/năm và lãi suất cho phần vốn vay thương mại cũng chỉ được tính bằng lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3-5 năm thấp hơn từ 1,3 lần lãi suất huy động thực tế, nhưng để có vốn, doanh nghiệp thường phải bù thêm 1,5-2,5% cho các ngân hàng” - ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cho hay, với phương án tài chính “nghiệt ngã” như vậy thì dòng tiền thu của một số dự án BOT qua thu phí không đủ trả gốc và lãi trong khoảng 10 năm đầu đã biến ưu đãi về thuế thu nhập thành “hư không”.
“Nếu nhà nước không sửa cơ chế thì tới đây chúng tôi cũng đành nói lời từ biệt với các dự án theo hình thức BOT” - ông Dũng khẳng định.
Được biết, hiện Công ty Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) - một đơn vị chuyên đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đã phải công bố lỗ và dự báo là sẽ còn lỗ tiếp trong vài năm tới nếu không được bù đắp bởi lĩnh vực đầu tư khác. Đáng lo ngại, trường hợp của CII không phải là ngoại lệ khi với lợi nhuận định mức quá mỏng, nhà đầu tư nào không quản trị rủi ro tốt là sẽ lập tức chuyển thành lỗ lớn.
Ngoài Tasco, nhiều nhà đầu tư BOT giao thông đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do không nhận được cơ chế chia sẻ rủi ro cần thiết từ các cơ quan quản lý nhà nước. Một nhà đầu tư trong lĩnh vực giao thông cho biết, rất nhiều dự án BOT đang phải đối diện với nguy cơ thua lỗ khi sản phẩm được bán dưới giá thành đặc biệt là trong giai đoạn 1/2 vòng đời đầu tiên của công trình.
Hội thảo Vốn để phát triển hạ tầng giao thông nhu cầu và giải pháp, thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế cũng như giao thông đầu ngành
Nhiều phân tích khác cũng chỉ ra vấn đề, khi nền kinh tế phục hồi thì dòng vốn cho giao thông sẽ không còn chảy mạnh như 3 năm trước, những ưu đãi tại các dự án hạ tầng không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Thực tế, hiện tại một số nhà đầu tư giao thông đã bắt đầu gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn vay thương mại, đặc biệt là các dự án có thời gian hoàn vốn kéo dài trên 20 năm.
Đề cập đến vấn đề vốn cho các dự án giao thông, Tiến sỹ Trần Chủng - cố vấn cao cấp của công ty BOT Đèo Cả - dẫn ra một thực tế tại công trình Đèo Cả, đó là nhà đầu tư đã phải ứng tiền để thực hiện giải phóng mặt bằng, song lại chưa được hoàn trả vì Nhà nước không có vốn.
Theo ông Chủng: “500 tỷ của doanh nghiệp đang bị mắc ở đây nhưng cơ chế hỗ trợ lãi suất thế nào thì chúng tôi cũng chưa rõ. Đáng ra, khi thương thảo hợp đồng thì nhà nước cũng phải bình đẳng với nhà đầu tư, nhưng trên thực tế, cơ quan quản lý vẫn coi mình là cấp trên”.
Đồng tình với quan điểm của Tiến sỹ Chủng, tại Hội thảo này, đại diện cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Đấu thầu dẫn lại lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “Nếu Nhà nước vẫn coi mình là ông chủ, là cấp trên thì doanh nghiệp còn thiệt thòi”.
Cục trưởng Tăng cho rằng, Nghị định 15 về hợp tác công-tư mới đây đã quy định thêm về trách nhiệm của Nhà nước, trong đó có cả việc phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, và Nhà nước làm sai thì phải đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, nhận định chung là "sẽ còn không ít gian nan, vì quản lý Nhà nước sợ mất quyền, không muốn mất quyền".