Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, năm 2019 đặc biệt khó khăn và thử thách với ngành nông nghiệp. Dẫu vậy, với những giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả ngành Nông nghiệp đã vượt khó đi lên và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm 2019.
Ngành Công Thương đặt mục tiêu cao trong năm 2019
- Cập nhật : 30/01/2019
Năm 2019, ngành Công Thương đặt mục tiêu dự kiến Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9-10% so với năm 2018 trong bối cảnh khá khó khăn như: nội lực còn yếu, trình độ công nghệ vẫn còn lạc hậu, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt, sự liên kết của các doanh nghiệp còn hạn chế…
Năm 2019, ngành Công Thương đặt mục tiêu dự kiến Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9-10% so với năm 2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Sản xuất công nghiệp tăng, tồn kho thấp nhất trong nhiều năm
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%.
Ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu chung (giảm 3,11%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%). Con số này thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 - 2016 .
Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến hết tháng 12/2018 tăng 12,4% so với năm trước (năm 2017 tăng 10,2%). Nhiều ngành đã có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm đạt mức 2 con số như: sản xuất đồ uống; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ, tinh chế; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn trừ máy móc thiết bị, sản xuất xe có động cơ..., tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
“Tình hình tiêu thụ thuận lợi, tồn kho toàn ngành công nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều năm vừa qua. Sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội, kể cả các hàng hóa thông dụng và hàng hóa thiết yếu”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành.
Cụ thể, đóng góp vào tăng trưởng GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng từ năm 2015. Tỷ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 18,3% ước cho năm 2018; của nhóm ngành khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống 6% ước cho năm 2018.
Nhiều DN “khép kín”, không liên kết với nhau
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, việc chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành tuy có tăng nhưng còn chậm (dệt may, da giày, điện tử...), khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
“Việc đóng góp vào tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp năm 2018 giảm so với năm 2017 (năm 2017 đóng góp 3,7 điểm phần trăm, năm 2018 đóng góp 2,1 điểm phần trăm), nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện thoại di động giảm”, ông Vượng cho hay.
Thêm vào đó, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng cho thấy sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu.
“Điều này cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.
Thêm vào đó, một thực tế mà lãnh đạo ngành Công Thương chỉ ra đó là mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.
“Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư khép kín mà không chọn cách phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Điều này làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành”, Thứ trưởng nhìn nhận.
Ngoài ra, vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp đa số đang tập trung vào các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm, số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều.
Thách thức mới, mục tiêu mới
Phân tích về một số yếu tố thuận lợi cho phát triển công nghiệp năm 2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2019, môi trường kinh doanh đang được cải thiện mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất, cũng như thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Thêm vào đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực vừa qua và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.
Một số ngành sản xuất cho thấy dư địa, điều kiện tốt để phát triển cho năm tới như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức đi vào vận hành thương mại trong cuối năm 2018; 2 dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ tiếp tục có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, sản xuất và tiêu thụ tốt hơn, sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ và xuất khẩu với giá cao góp phần vào tăng trưởng của nhóm ngành khai khoáng.
Còn về thách thức, Thứ trưởng nhìn nhận, sản xuất công nghiệp năm 2019 tiếp tục phải đối mặt với thực tế là Việt Nam chưa có những dự án mới, qui mô lớn, tác động lan tỏa, đóng góp cho tăng trưởng và tạo sự bứt phá của ngành; chưa có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ diễn ra còn chậm, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghệ mới có lợi thế...
“Với các căn cứ như trên, dự kiến Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9-10% so với năm 2018. Cụ thể, khai khoáng bằng 91% so với năm 2018, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13%, sản xuất phân phối điện tăng từ 9,5-10%”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Phan Trang
Theo baochinhphu.vn