Tốc độ tăng trưởng các thương hiệu bia ngoại đang tăng nhanh hơn các thương hiệu bia nội.
Ngành Công Thương vượt qua khó khăn vươn mình hội nhập
- Cập nhật : 29/08/2015
(Tin kinh te)
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, năm 2015 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao. Đây là những tiền đề tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trong thời gian tới.
Nền kinh tế được đà tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đà tăng trưởng này được thể hiện ngay từ quý I/2015, tăng trưởng kinh tế tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2014, và là mức cao nhất của quý I trong vòng 5 năm qua. Tiếp theo quý II, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, tăng 6,15%. Dự kiến, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%.
Sự phục hồi của nền kinh tế chủ yếu do khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ duy trì ở mức tăng trưởng trưởng vừa phải.
Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất (IIP) tăng mạnh (tháng 7 tăng 11,3%, 7 tháng tăng 9,9%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao hơn mức tăng chung của ngành và tăng 10,1%).
Xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng 6 và tăng 10,8% so với 7 tháng năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 6 và tăng 22,2% so với tháng 7 năm 2014.
Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 92,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 27,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 64,7 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 9,9%. Qua đó cho thấy tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI 7 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 tăng 0,86%.
Đánh giá về kết quả đạt của nền kinh tế trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kết quả này cho chúng ta thấy triển vọng nếu phấn đấu quyết liệt và không có gì đột biến thì có khả năng đạt kết quả đề ra cho cả năm 2015”.
2015 - Năm của hội nhập
Nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức Chương trình kết nối cung - cầu.
Chẳng hạn như, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, "Tuần nhận diện hàng Việt" đã đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu rau quả; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Đặc biệt, trong thời điểm dưa hấu miền Trung gặp khó khăn khi xuất khẩu, tại trụ sở Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm - Hà Nội), Công đoàn Cơ quan Bộ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu còn tổ chức chương trình thiện nguyện mua dưa hấu hỗ trợ cho nông dân.
Về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2015 được đánh giá là một năm "nổi bật" của Bộ Công Thương. Các hiệp định thương mại tự do được ký kết như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Xây dựng phương án và tham dự phiên đàm phán song phương Hiệp định TPP tại Hoa Kỳ..
VFTA là một trong những Hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam với các nước, dự kiến đem lại lợi ích tối ưu cho người dân, doanh nghiệp hai bên.
Đánh giá về FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc.
Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội 2015 sẽ khai mạc tối 28-8
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội đất nước năm 2015 với chủ đề "Đổi mới, hội nhập và phát triển" sẽ chính thức khai mạc tối 28/8 tại Hà Nội và được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Giảng võ, Hà Nội).
Ban tổ chức cho biết, nội dung trưng bày tại triển lãm trải rộng trên diện tích khoảng 15.000 mét vuông với sự tham gia của 28 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương; 30 tỉnh, thành phố và khối các doanh nghiệp với 28 gian hàng.
Phần trưng bày của Bộ Công Thương sẽ giới thiệu các hình ảnh, tư liệu phong phú về thành tựu xây dựng, phát triển kinh tế; những hình ảnh đánh dấu những mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tế của Việt Nam. Chẳng hạn như Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), gia nhập ASEAN, việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do.
Qua đó, khẳng định vai trò của ngành với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay...