Việt Nam được WB đánh giá xếp thứ 11 trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất, dự kiến năm nay khoảng 12,5 tỷ USD.
Địa phương nào đang nhận vốn ODA "cho không" nhiều nhất?
- Cập nhật : 13/12/2015
(Kinh te)
Có nguồn thu ngân sách khá dồi dào song Hà Nội và TP.HCM lại là hai địa phương đứng đầu danh sách những tỉnh, thành nhận nhiều vốn ODA “cho không” nhất.
Thông tin trên được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đưa ra mới đây khi trao đổi với chúng tôi.
Theo ông Long, trong số 64 tỉnh, thành phố của cả nước, hiện chỉ có 13 tỉnh/thành cân đối được thu chi trong đó có một số địa phương đã điều tiết ngân sách về trung ương. Có tới 50 địa phương vẫn nhận “trợ cấp” ngân sách từ trung ương và thậm chí có địa phương chỉ mới đảm bảo chi thường xuyên.
Hà Nội và TP. HCM dẫn đầu danh sách
Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết có tới 92,15% vốn ODA là cấp phát, với tiêu chí phân bổ chưa hoàn thiện, nên sự phân bổ ODA chưa đồng đều.
“Một số địa phương lớn, có dự án lớn thì được trợ cấp lớn, còn một số địa phương nhỏ thì tài trợ các dự án quy mô nhỏ nên số được cấp phát và bổ sung có mục tiêu còn nhỏ. Một số địa phương hoàn toàn chưa tiếp cận ODA như Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang”, bà Thảo thông tin.
Giai đoạn 2004 – 2014, có khoảng 35% tổng vốn ODA vay ưu đãi ký kết dành cho các địa phương (tương đương 15,5 tỷ USD trong tổng số vốn vay khoảng 45 tỷ USD). Trong đó, 38% vốn sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng; 35% phát triển đô thị; 23% cho giảm nghèo và 4% cho dịch vụ xã hội.
Những địa phương sử dụng nguồn vốn ODA nhiều nhất đã đưa vào sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Trong đó, điển hình nhất là những dự án tại Hà Nội và TPHCM như Đại lộ Đông Tây, cải tạo kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè; dự án giao thông lớn của Hà Nội; Bình Dương và Thanh Hóa; hoặc các dự án giúp cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn như khu vực phía Bắc và miền Trung…
90% dự án bị chậm tiến độ
Tuy nhiên, bà Thảo cũng thẳng thắn chỉ ra là việc sử dụng nguồn vốn cho không khiến cho hiệu quả đầu tư chưa cao. Hầu hết dự án tại các địa phương đăng ký không bố trí được vốn đối ứng, không có đủ mặt bằng và bị chậm tiến độ.
Dẫn chứng, thời gian thực hiện dự án trung bình 8 – 10 năm và có trường hợp thời gian kéo dài 12 năm. So với thời gian đưa ra trong văn kiện dự án và quyết định đầu tư là 5 năm thì không có dự án nào đạt được và có tới 90% gia hạn ít nhất 1 lần.
Tình trạng chậm tiến độ kéo theo nhiều chi phí trượt giá và giải phóng mặt bằng, phát sinh khối lượng công việc khi quy hoạch thay đổi, thiết kế thay đổi, phải đầu tư lại khiến cho phát sinh thêm chi phí thiết kế tư vấn.
Theo bà Thảo, nguyên nhân chính một phần do cơ chế, còn phần lớn là do việc cấp phát nên thiếu sự giám sát của chính quyền địa phương. Do là nguồn cho không nên địa phương chưa ý thức là nguồn vay, tranh thủ đăng ký càng nhiều càng tốt.