Kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi những bất ổn, và trong bối cảnh hội nhập sâu, Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng từ những cú sốc của thị trường thế giới.
Mục tiêu thu hồi ít nhất 50% nợ thuế liệu có cán đích?
- Cập nhật : 01/10/2015
(Tin kinh te)
Liệu Việt Nam có đạt mục tiêu thu hồi ít nhất 50% nợ thuế lớn của các doanh nghiệp trước ngày 30/9? Đây vẫn là câu hỏi chưa có đáp án.
Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị địa phương tăng cường công tác kiểm tra, chống thất thu thuế, đảm bảo trước ngày 30/9/2015 thu được ít nhất 50% số nợ thuế của 600 doanh nghiệp đã công khai trước đó.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cũng yêu cầu các cục thuế địa phương đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, thanh kiểm tra năm 2015 đạt tối thiểu 17% số doanh nghiệp trên địa bàn.
Chống thất thu thuế
Với các doanh nghiệp nợ thuế, ngoài yêu cầu thu hồi ít nhất 50% số nợ lớn của các doanh nghiệp ngay trong tháng 9, Tổng cục Thuế cũng đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát để công khai thêm các doanh nghiệp khác. Với yêu cầu này, lãnh đạo ngành thuế nhấn mạnh việc phải đảm bảo số liệu cập nhật, chính xác và tránh sai sót.
Trước đó, trong danh sách công khai tháng 7, trong 600 doanh nghiệp nợ thuế ở 63 tỉnh, số lượng doanh nghiệp được thống kê ở Hà Nội và TP HCM đã chiếm phần lớn với 200 doanh nghiệp ở mỗi nơi. Tại TP HCM, tổng số nợ của 200 doanh nghiệp là trên 3.500 tỷ đồng, trong khi số nợ của các doanh nghiệp Hà Nội là trên 4.600 tỷ đồng.
Bên cạnh yêu cầu chống thất thu thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng quá trình cải cách thủ tục hành chính thời gian qua có lúc, có nơi vẫn còn hạn chế. Lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị các đơn vị không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp thêm các tài liệu, hồ sơ, thông tin không có trong quy định hay cung cấp nhiều hơn số lượng hồ sơ theo quy định.
Ngoài ra, các địa phương cũng phải công bố, niêm yết công khai tất cả các thủ tục hành chính sau khi sửa đổi, bổ sung để người nộp thuế nắm được.
Để đảm bảo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế địa phương căn cứ vào Bảng Tổng hợp danh sách người nộp thuế có số tiền nợ lớn đến ngày 30/06/2015 theo địa bàn quản lý của từng Cục Thuế để thực hiện công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời căn cứ tình hình thực tế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định Luật quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Áp dụng biện pháp từ “mềm dẻo” đến “rắn”
Bộ Tài chính yêu cầu ngành Thuế phải mạnh tay thu nợ và cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo đến ngày 31/12/2015, số nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu ngân sách.
Các cơ quan Thuế đang thực hiện nhiều biện pháp để chống thất thu ngân sách: từ hình thức “mềm dẻo” như thông báo bằng văn bản, cán bộ Thuế trực tiếp thuyết phục, cho đến các biện pháp “rắn” như cưỡng chế, tạm dừng hóa đơn, công khai doanh nghiệp nợ thuế…
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả thu nợ trong những tháng đầu năm 2015, số địa phương có tỷ lệ thu nợ cao nhất đạt 65% nhưng có nhiều địa phương thực hiện thu tiền thuế nợ năm trước chuyển sang đạt tỷ lệ thấp, dưới 15%.
Biện pháp để phong toả tài khoản thực hiện không dễ vì doanh nghiệp mở nhiều tài khoản ở ngân hàng nên cơ quan Thuế phải phối hợp với hệ thống ngân hàng ở các tỉnh, thành phố để siết nợ. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng chưa cung cấp thông tin kịp thời, cơ quan Thuế chỉ nắm được tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ số thuế nợ để cưỡng chế.
Tương tự, đối với biện pháp cưỡng chế về tài sản, hiện chưa có quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng và người nợ thuế cũng không còn tài sản hoặc tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng nên cơ quan Thuế không thể cưỡng chế.
Ngoài ra, biện pháp kê biên tài sản cũng không đạt hiệu quả cao do phải chờ thẩm định giá và chi phí thường cao. Các vụ án liên quan đến nghĩa vụ thuế chậm được xét xử cũng gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
Cơ quan Thuế gia tăng việc rà soát danh sách người nộp thuế cố tình chây ỳ, hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa điểm đăng ký để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý, thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách. Đồng thời phối hợp chặt với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư... thực hiện đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để tiến tới thực hiện ban hành các quyết định cưỡng chế nợ thuế tập trung bằng phương thức sử dụng chữ ký số thống nhất từ cấp Tổng cục đến Cục Thuế.