Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu đã tham dự hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 22-25/8 tại Malaysia.
"Chế độ ăn kiêng" cho nền kinh tế
- Cập nhật : 27/08/2015
(Suc khoe)
Từ nhiều năm nay, các nhà kinh tế học vẫn tin rằng khu vực tài chính có quy mô càng lớn thì càng tốt cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một số người hoài nghi cho rằng ngành ngân hàng quá lớn và quá phức tạp lại làm tổn hại đến tăng trưởng.
Năm 1980, nhà toán kinh tế David Hendry đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng của kinh tế học: nguyên nhân gì gây ra lạm phát? Hendry đã nhìn vào các số liệu. Ông giả định rằng có một biến số đặc biệt, tạm gọi là X, đóng vai trò chính. Ông thu thập các số liệu về nhân tố X, thực hiện một vài phép toán vòng vèo một cách khéo léo và so sánh sự biến thiên của X với diễn biến giá hàng hóa tiêu dùng ở nước Anh. Cuối cùng kết quả thu được hợp lý một cách đáng ngạc nhiên.
X trong các phép toán của Hendry là lượng mưa tích lũy. Vì chỉ số giá tiêu dùng và lượng mưa tích lũy cùng tăng lên trong những quãng thời gian, Hendry đưa ra một sự liên quan giả mạo. Vấn đề còn lại thuộc về sự khéo léo trong sử dụng các phép toán và số liệu thống kê.
Hendry muốn sử dụng ví dụ này để miêu tả một sự thực: rất dễ để đưa ra những kết luận “nhảm nhí” bằng cách sử dụng sai các công cụ thống kê. “Sẽ là vô nghĩa khi nói về việc xác nhận các học thuyết khi người ta dễ dàng có được các kết quả giả mạo”, ông viết.
Câu chuyện trên là lời mở đầu cho chủ đề của bài viết này: vai trò của ngành tài chính đối với sức khỏe của các nền kinh tế - một chủ đề đang rất nóng. Từ nhiều năm nay, các nhà kinh tế học vẫn tin rằng khu vực tài chính có quy mô càng lớn thì càng tốt cho tăng trưởng kinh tế. Hỗ trợ kết luận này là một loạt các số liệu thống kê. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số hoài nghi và có cả những số liệu thống kê ủng hộ sự hoài nghi này. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy thậm chí tài chính còn ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Quay trở lại với thử nghiệm của Hendry, liệu có phải các số liệu thống kê chỉ đơn giản được sử dụng để “trang trí” cho các kết luận đã được đưa ra từ trước?
Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi chuyên gia William Cline đến từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc Peterson cho thấy các nghiên cứu phủ định vai trò của ngành tài chính đang dựa trên những ảo tượng về số liệu thống kê. Các nền kinh tế phát triển thường có tốc độ tăng trưởngthấp hơn các nước đang phát triển nhưng họ có hệ thống ngân hàng phát triển quy mô hơn. Như vậy kết luận hồ đồ được đưa ra sẽ là khu vực ngân hàng càng lớn thì tốc độ tăng trưởng kinh tế càng chậm. Những kết luận hồ đồ hơn sẽ là bác sĩ không tốt cho tăng trưởng, điện thoại cũng không tốt cho tăng trưởng và kể cả các chuyên gia R&D cũng không tốt cho tăng trưởng. Thậm chí giàu có cũng sẽ không tốt cho tăng trưởng.
Cline đã có một luận điểm tốt nhưng khá hẹp hòi. Không thể phân tích ngành ngân hàng giống như việc đánh giá nên cho bao nhiêu muối vào món ăn hay cho tưới bao nhiêu nước là đủ cho luống rau của bạn sau đó đưa ra kết luận “vừa đủ là tốt, quá nhiều là không tốt”. Không giống như muối và nước, các dịch vụ ngân hàng rất phức tạp và đa dạng. Có sự khác biệt rất lớn giữa một khoản vay thế chấp, khoản cho vay theo ngày, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các sản phẩm tín dụng phái sinh và một quỹ ETF… Tuy nhiên chúng đều có một tên gọi chung là các dịch vụ tài chính.
Để phân tích mối quan hệ giữa quy mô ngành tài chính và tăng trưởng, câu hỏi không chỉ đơn giản là quy mô ở mức nào thì vừa mà còn phải trả lời các câu hỏi như đó là loại hình nào và tại sao lại như vậy.
Trong hai nghiên cứu nộp lên NHTW Hà Lan, Christiane Kneer phát hiện ra rằng vấn đề với ngành tài chính là nó hút hết nhân tài khỏi các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Kneer nghiên cứu quá trình giải chấp ngành tài chính trong từng bang ở Mỹ và tìm thấy rằng các ngân hàng sẽ lấy đi các nhân lực xuất sắc của ngành sản xuất – nơi mà sản lượng sụt giảm. Nếu Kneer đúng, ngành tài chính quá phát triển là không tốt cho tăng trưởng vì các ngân hàng đang lấy đi quá nhiều nhân công xuất sắc.
Trong khi đó các chuyên gia kinh tế Stephen Cecchetti và Enisse Kharroubi cho rằng khu vực ngân hàng đang không làm tròn nhiệm vụ được ghi trong các cuốn sách giáo khoa: tài trợ vốn cho các dự án hiệu quả nhất. Thay vào đó dòng vốn được dẫn đến những tổ chức đã có tài sản đảm bảo. Điều này lý giải tại sao các khoản vay tín chấp rất hấp dẫn. Cho vay đối với một doanh nghiệp đã sở hữu một tòa nhà văn phòng hoặc nhà máy lọc dầu rất dễ, nhưng những công ty có tài sản vô hình hơn như phòng nghiên cứu hay mối quan hệ tốt với khách hàng được đánh giá là kém hấp dẫn. Do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi Cecchetti và Kharroubi kết luận rằng ngành ngân hàng phát triển hơn thì các ngành có chi phí nghiên cứu sẽ chậm phát triển. Đây là điều không tốt.
Những nghiên cứu này nhắc nhở chúng ta rằng sẽ không dễ gì có thể phân tích ngành tài chính ngân hàng theo cách đơn thuần hay đổ lỗi cho ngành ngân hàng về bất cứ điều gì tồi tệ. Chúng ta cần nghiên cứu chi tiết ngành dịch vụ tài chính đang làm gì, và các quy định về tài chính đang bảo vệ xã hội hay ngược lại đang khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Dù quy mô ngành ngân hàng lớn đến đâu, điều chúng ta thực sự cần là một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh. Những nghiên cứu về mối liên hệ giữa ngành tài chính và tăng trưởng được khởi xướng bởi các nhà kinh tế học ở các nước phát triển đã quan sát rằng những người nghèo sẽ rất khó phát triển nếu họ không có các ngân hàng chỉnh tề.
Thorsten Beck, chuyên gia kinh tế đến từ trường Kinh doanh Cass, bắt đầu nghiên cứu về các tác dụng của ngành tài chính khi ông bắt đầu làm việc tại World Bank. “Tôi không quan tâm đến nước Anh hay Hà Lan. Tôi quan tâm đến Kenya, Chile và Brazil.”
Nếu không có một khu vực ngân hàng khỏe mạnh và đủ lớn để cung cấp vốn cho các doanh nghiệp, một nước nghèo khó có thể tăng trưởng. Có lẽ hiện nay nền kinh tế đang có quá nhiều dịch vụ tài chính mà chúng ta có thể sử dụng. Đó là một vấn đề lớn, nhưng cũng là một vấn đề của cả các nước phát triển giàu có.
(Theo CafeF)