Báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu BIDV cho biết, đến cuối năm 2015, nợ công/GDP của Việt Nam ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.
Chưa “nhổ đinh” đừng tính hỗ trợ
- Cập nhật : 11/06/2016
Cách hỗ trợ thật sự thiết thực cho DN là sớm loại bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh đang tạo ra một môi trường đầu tư bất bình đẳng giữa các ông chủ lớn và các DNNVV, cũng như làm tăng thêm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Chính sách hỗ trợ DN là cần thiết, song trong lúc môi trường đầu tư còn chưa bình đẳng thì theo các chuyên gia, việc hỗ trợ DN sẽ chẳng khác nào liều thuốc bổ được dùng không đúng cách. Vì vậy, cách hỗ trợ thật sự thiết thực cho DN là sớm loại bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh đang tạo ra một môi trường đầu tư bất bình đẳng giữa các ông chủ lớn và các DNNVV, cũng như làm tăng thêm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã nhận diện các loại “đinh” gây cản trở trên con đường vận hành của DN và NĐT.
Đầu tiên, theo ông Sơn, đó là “đinh” trong thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật. Loại đinh này chủ yếu nằm ở các thông tư, văn bản quy phạm pháp luật cấp bộ, cá biệt có trong một số quy định của Chính phủ. Nhiều không kém là “đinh” trong các văn bản của địa phương. Tiếp theo là “đinh” trong tổ chức thực hiện, trong hành vi cụ thể, kể cả trong các quyết định hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền.
Ở cấp địa phương, theo TS. Lê Hồng Sơn, thời gian qua có nhiều ví dụ về việc tạo sự bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh của DN, tạo điều kiện, sân chơi cho các đại gia. Ví dụ điển hình là ở tỉnh Quảng Ninh cuối năm 2015 ban hành 2 quyết định đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long - Bái Tử Long. Cụ thể, rút ngắn thời hạn sử dụng các phương tiện thủy 5 năm - 10 năm; quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú...
Như vậy, phải có thêm bể chứa nước trên tàu, hệ thống dẫn nước, nhưng lại không cho phép đóng nước để thay thế tàu cũ. Điều này không thể thực hiện được với các tàu đang hoạt động và vô hình bức tử các DN đang kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa việc làm của hơn 1.000 lao động.
Ông Sơn cũng cho rằng, quy định này vi phạm một loạt các Luật: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện thủy. Cũng có thể nói, vi phạm Điều 14, Điều 33 Hiến pháp 2013.
Ở cấp bộ, ngành, ông Sơn lấy dẫn chứng về quy định ép DN, không cho điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong dự toán công trình, mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định không được truy thu. Quy định này buộc DN vào 1 trong 2 khả năng: trả lương thấp cho người lao động hoặc buộc phải co kéo kinh phí từ các hạng mục khác cho việc trả lương. Cả hai khả năng đều chứa đựng hậu quả xấu, vi phạm nguyên tắc pháp chế.
Một hành vi sai phạm khác là ban hành quyết định hành chính “bẻ ghi” quy định đã có hiệu lực. Đơn cử như Nghị định của Chính phủ về điều kiện số lượng xe tối thiểu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách. Điều kiện này không phù hợp với điều kiện Việt Nam, gây sức ép về kinh phí cho các NĐT muốn kinh doanh trong lĩnh vực này. Đây là biểu hiện độc quyền, lợi ích cục bộ. Ông Sơn cảnh báo, cần sớm nhổ hết các loại đinh này trên môi trường đầu tư để chấm dứt tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh”.
PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cũng bổ sung, các chính sách tài chính cho DNNVV hiện nay quá phức tạp và làm tăng chi phí tuân thủ của DN. Luật DN quy định hộ kinh doanh sử dụng 10 lao động trở lên phải thành lập DN và thực hiện lập báo cáo tài chính khi kết thúc năm, gửi hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế, thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Chế độ kế toán này với DNNVV là chưa phù hợp, chưa có chuẩn mực kế toán riêng cho DNNVV, dẫn tới chi phí tuân thủ cao. Vì vậy ông Cường khuyến nghị cần xây dựng chính sách quản lý thuế đơn giản hơn với DNNVV.
Ông Lê Duy Bình, Công ty tư vấn Economica nêu ý kiến, trong những năm 50 các nước châu Âu coi DNNVV là đối tượng cần được bảo vệ, bảo hộ, song tới những năm 80 thì lại có tư duy là xúc tiến, hỗ trợ khối này. Hiện nay có xu thế thay đổi tư duy lớn hơn là kiến tạo, thúc đẩy với trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy ông khuyến nghị cần tạo môi trường cho DNNVV phát triển, hơn là bảo hộ. Đây cũng là lúc cần đặt ra vấn đề chống độc quyền, chống chủ nghĩa thân hữu.
Vì vậy, nên chăng vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ DN chỉ là kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thay vì đơn thuần bảo hộ cho họ. Các dịch vụ, chương trình hỗ trợ cho các DNNVV là cần thiết nhưng việc cung cấp các dịch vụ, chương trình hỗ trợ này không nên tràn lan và mang tính chất Nhà nước cho DN vì điều này tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại nguyên tắc thị trường và điều ước quốc tế như TPP, WTO…
Khanh Đoàn
(Thời báo Ngân hàng)