Đồng bằng Sông Cửu Long có tới hơn 100 giống lúa đang được trồng phổ biến trong đó chỉ 3-4 giống có thể đạt giá bán từ 600 – 700 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt dưới 400 USD/tấn.
Đua nhau nuôi heo bán cho Trung Quốc
- Cập nhật : 03/05/2016
(Kinh te)
Giá heo hơi tại các tỉnh Đông Nam bộ - vùng chăn nuôi heo lớn nhất cả nước - đang ở mức cao nhất trong vòng 19 tháng qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá heo tăng cao nhất trong vòng 19 tháng qua làm hoạt động buôn bán, vận chuyển heo xuất sang Trung Quốc trở nên sôi động hơn bao giờ hết - Ảnh: Hoài Linh
“So với nhu cầu tiêu thụ thông thường, lượng heo trong nước đã cao hơn từ 1-2 triệu con. Ba tháng nữa là đến mùa mưa ở Trung Quốc, giao thương và vận chuyển khó khăn, việc bán heo sang Trung Quốc sẽ khó hơn
Ông Hoàng Thanh Vân (cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT)
Giá heo hơi cao đã kích thích nhiều nông dân cấp tập xây thêm chuồng trại, mua heo giống về nuôi...
Dù thừa nhận giá heo tăng cao là điều đáng mừng cho người chăn nuôi, nhưng các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc tăng đàn ào ạt tiềm ẩn nhiều nguy cơ heo bị dội chợ nếu phía Trung Quốc ngừng hoặc giảm nhập heo từ VN.
Khan heo giống, thiếu thợ xây chuồng
Mới chỉ hơn một năm mà đàn heo của ông Trần Văn Thức (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã tăng từ gần 2.000 con lên trên 3.000 con heo thịt như hiện tại.
“Tôi đang tính đầu tư để mở rộng trại nuôi heo thịt. Giá heo hơi đang ở mức cao nên người chăn nuôi nào cũng có lời” - ông Thức cho hay. Tương tự, dù đàn heo lên đến 4.000 con nhưng ông Nguyễn Văn Chiểu (Thống Nhất, Đồng Nai) cũng cho biết đang chuẩn bị tăng thêm đàn vì nuôi heo đang có lời.
Không chỉ có các trang trại quy mô lớn, các hộ nuôi quy mô nhỏ hơn cũng tham gia cuộc đua tăng đàn heo và mở rộng chuồng trại. Bà Nguyễn Thị Thành (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vừa bỏ ra trên 530 triệu đồng mua đất xây dựng chuồng trại và nhập gần 100 con heo giống về nuôi. Do nhiều người mua, giá heo giống đã tăng từ 1,8 triệu đồng/cặp lên 2,2-2,5 triệu đồng/cặp (mỗi con 10kg).
Trong khi đó, ông Đinh Văn Tính (huyện Thống Nhất) cũng vừa đầu tư xây thêm một dãy chuồng heo, dự tính mua thêm 300 con heo giống về nuôi bên cạnh đàn heo 800 con hiện có.
Theo ông Tính, mức lời từ 1,2-1,5 triệu đồng/con heo quá hấp dẫn với người chăn nuôi nên ai cũng có tâm lý muốn tăng đàn. “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ chăn nuôi khác cũng đang tăng đàn heo vì giá heo hiện nay đang ở mức cao” - ông Tính cho biết.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chưa bao giờ phong trào xây chuồng trại, mua bán heo giống và heo thịt lại sôi động đến như thế. Ngày 2-5, giá heo hơi đã lên mức 53.000 - 54.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 19 tháng qua và sẽ còn tiếp tục tăng cao khi Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngưng nhập khẩu heo thịt từ VN. Với mức lợi nhuận 1-1,5 triệu đồng/con heo (trung bình 100 kg/con), người chăn nuôi đang cấp tập mở rộng chuồng trại, mua heo giống về nuôi.
Do nhu cầu tăng mạnh nên giá heo giống cũng “nhảy múa” cùng giá heo hơi. So với đầu năm, giá heo giống của các công ty lớn bán ra tăng khoảng 6.000 đồng/kg, lên mức 99.000-102.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ những hộ chăn nuôi quy mô lớn mới có thể tiếp cận được với nguồn con giống này, các hộ nuôi quy mô nhỏ hơn phải mua lại từ các trại lớn hơn với giá cao hơn nhiều.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá heo giống mà các trại bán cho hộ nuôi nhỏ tăng từ 95.000 đồng/kg hồi đầu năm lên mức 115.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ bán vì nhu cầu quá lớn.
“Chủ trại nào cũng muốn tăng gấp đôi tổng đàn trong thời gian ngắn khiến heo giống trở nên khan hiếm, thậm chí phải hẹn trước mới có” - ông Đoán cho hay. “Ngay cả thợ xây chuồng trại cũng không dễ kiếm hiện nay, dù rất nhiều thợ xây nhà cho người nay đã chuyển qua xây nhà cho heo” - ông Đoán nói.
Săn lùng heo xuất sang Trung Quốc
Vừa tấp vào một điểm chăm sóc heo dựng bên đường ở xã vùng biên Hải Sơn (TP Móng Cái, Quảng Ninh), lái xe tên Quang (quê Thanh Hóa) vội tìm vòi nước phun tưới mát cho heo. Hơn 150 con heo, trọng lượng 80 - 120kg/con, được xếp làm ba tầng trên xe. Hơn hai ngày ròng rã với quãng đường gần 2.000km, những con heo mệt mỏi nằm xếp lên nhau, khe khẽ kêu.
Theo lời anh Quang, số heo trên được các đầu nậu thu gom từ phía Nam, nhiều nhất là Đồng Nai và Bến Tre... Trên cả chuyến hành trình, nhiều người khác nhau sẽ gọi điện chỉ đạo điểm đến, người chở thuê chỉ việc đưa xe đến lấy hàng rồi đưa đến điểm tập kết để xuất sang Trung Quốc. Ngoài xe của anh Quang, tại điểm chăm sóc heo này còn có hai chiếc xe biển số Thanh Hóa đang nằm chờ “mệnh lệnh” từ các lái heo.
Cách đó hơn 40km, việc xuất heo tại cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) mấy ngày nay diễn ra rất sôi động, trung bình mỗi ngày có gần 20 xe chở heo tập kết về đây để xuất sang Trung Quốc. Cao điểm như ngày 25-4 có hơn 30 xe đăng ký thông quan.
Ông Trần Xuân Hưng, chi cục phó Chi cục hải quan cửa khẩu Hoành Mô, cho biết từ trước đến nay tại cửa khẩu này chưa bao giờ xuất hiện tình trạng xuất khẩu heo nhiều như hiện giờ. Từ đêm 21-4, đơn vị bắt đầu cấp phép cho xuất khẩu heo qua ba lối mở trên địa bàn được UBND tỉnh công nhận là điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu.
“Chỉ trong vòng năm ngày đã có 1.750 tấn heo được xuất sang Trung Quốc với tổng giá trị hơn 2,6 triệu USD” - ông Hưng cho biết.
Trong khi đó tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) - một trạm trung chuyển heo lớn nhất khu vực phía Bắc (chuyên gom heo từ phía Nam về để xuất đi các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc), thời gian qua cũng trở nên nhộn nhịp hơn khi xe lôi, xe tải các loại kéo về để gom hàng.
Ông Trần Văn Dũng (chủ trang trại nuôi heo tại Ngọc Lũ) cho biết trước đây heo trên 90kg rất khó bán nhưng nay ngược lại, heo càng to càng dễ bán và được giá nhất. “Heo nặng trên 120 kg/con được các lái gom ngay để xuất đi Trung Quốc” - ông Dũng cho biết.
Theo một số thương lái, hiện mỗi ngày có khoảng 3.000 con heo được mua bán tại chợ này. Bà Phạm Thị Huệ (Bình Lục) - một trong những người chuyên gom heo có trọng lượng lớn để xuất sang Trung Quốc - cho biết mỗi ngày gia đình bà xuất một xe heo khoảng 17 tấn (150-155 con) sang Trung Quốc.
“Cứ mang ra đến Móng Cái (Quảng Ninh) là có khách Trung Quốc sang mua, có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu. Nếu thuận buồm xuôi gió, bán heo được ngay khi đến Móng Cái, trừ các chi phí mỗi xe kiếm được 15 triệu đồng” - bà Huệ cho hay.
Lái xe tắm cho heo tại một điểm chăm sóc heo ở xã Hải Sơn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh: Đức Hiếu
Nguy cơ dội chợ
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hoạt động xuất khẩu heo sang Trung Quốc thời gian qua khá sôi động, mỗi ngày có ít nhất 500 tấn heo hơi được thương lái đưa qua cửa khẩu. Ông Hoàng Thanh Vân, cục trưởng Cục Chăn nuôi, chia sẻ “vừa mừng lại vừa lo”.
Mừng vì người chăn nuôi bán được heo giá cao. Tuy nhiên cứ xuất khẩu tiểu ngạch như thế này, nếu thương lái phía Trung Quốc không mua nữa, heo chở đến biên giới mà không bán được dễ xảy ra tình trạng heo chết, phải tiêu hủy.
“Heo dội chợ khó xử lý hơn dưa hấu vì tiêu hủy heo tốn kém. Chưa kể có tình trạng người dân giữ lại heo chết mổ lấy thịt đưa ra thị trường, làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm” - ông Vân nói.
Cũng theo ông Vân, khả năng heo dội chợ đã bắt đầu hiện hữu. Trong bốn tháng đầu năm 2016, lượng heo giống vào chuồng đã tăng 25-30% so với cùng kỳ 2015 và tổng đàn heo hiện tại của VN đã lên tới 28 triệu con.
“So với nhu cầu tiêu thụ thông thường, lượng heo trong nước đã cao hơn từ 1-2 triệu con. Ba tháng nữa là đến mùa mưa ở Trung Quốc, giao thương và vận chuyển khó khăn, việc bán heo sang Trung Quốc sẽ khó hơn” - ông Vân cảnh báo.
Ông Nguyễn Kim Đoán cũng bày tỏ lo ngại việc phát triển nóng đàn heo trong nước tất yếu sẽ dẫn đến thời điểm cung vượt cầu. Vì Trung Quốc chủ yếu mua heo cỡ lớn (trên 120 kg/con), loại heo mà VN ít dùng, nên nếu phía Trung Quốc ngừng mua, người nuôi heo trong nước không biết bán cho ai.
“Heo trên 120kg có nhiều mỡ nên thương lái trong nước không mua, việc chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng cũng khó khăn” - ông Đoán cho hay.
Nhưng không cần đợi đến khi cung vượt cầu, theo các thương lái, ngay cả khi Trung Quốc đang cần hàng, việc buôn bán với thị trường này cũng rất nhiều rủi ro. Bởi hiện tại các thương lái Trung Quốc mua heo từ VN vẫn chủ yếu theo hình thức mua bán tiểu ngạch, nên khi nào cơ quan chức năng Trung Quốc cấm biên là giao dịch bị ngưng trệ. Chưa kể lâu lâu các thương lái Trung Quốc cũng chủ động ngưng mua một vài ngày để ép giá người bán từ VN.
Bà Phạm Thị Huệ thừa nhận việc lời lỗ khi xuất heo hiện nay cũng tùy thuộc vào việc phía Trung Quốc có cấm biên hay không. “Thi thoảng phía Trung Quốc họ cấm biên, không cho mua bán gì. Xe chạy 12 tiếng từ Hà Nam đến Móng Cái rồi phải nằm cả nửa ngày, ăn chực nằm chờ giờ mở cửa biên. Mỗi con hao 5-7kg, có con yếu, thậm chí bị chết là mất cả vốn chứ nói gì đến lãi” - bà Huệ nói.
Giá cao do có bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu
Theo cơ quan chức năng, giá heo hơi tại VN tăng nhanh trong hai tháng qua chủ yếu do Trung Quốc gom hàng. Có những ngày cao điểm, chỉ riêng điểm tập kết tại Thống Nhất (Đồng Nai) đã có 3.000 con heo được đưa lên các xe tải chở ra phía Bắc.
Các thương lái cho hay Trung Quốc đặt hàng với số lượng rất lớn bất kể heo xấu heo tốt, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu. Mỗi ngày, trên tuyến biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh có hàng trăm xe chở heo tập kết chờ xuất sang Trung Quốc.