Nhà nước liên tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trước năm 2018
09 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2018
- Cập nhật : 12/01/2018
Triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, ngành Tài chính đã đề ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ.
Năm 2018, thu cân đối NSNN 1.319,2 nghìn tỷ đồng
Theo đó, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ năm 2018 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", Bộ Tài chính xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018 là tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 07/-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018.
Đồng thời, ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội; Đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Quản lý, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực NSNN, song song với huy động tối đa các nguồn lực tài chính khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2018, Bộ Tài chính được giao dự toán thu cân đối NSNN là 1.319,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 1.099,3 nghìn tỷ đồng, thu dầu thô 35,9 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 179 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi NSNN năm 2018 là 1.523,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư phát triển là 399,7 nghìn tỷ đồng, chi thường xuyên là 940,74 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi là 112,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi trả nợ gốc của NSNN khoảng 159,74 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, dự toán bội chi NSNN được giao năm 2018 là 204 nghìn tỷ đồng (3,7% GDP); trong đó, bội chi NSTW 3,5% GDP (195 nghìn tỷ đồng), bội chi NSĐP 0,2% GDP (9 nghìn tỷ đồng). Nhiệm vụ huy động vốn năm 2018 của ngành Tài chính là 363,28 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi 206,15 nghìn tỷ đồng, để trả nợ gốc 157,1 nghìn tỷ đồng.
09 nhóm giải pháp trọng tâm
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả 9 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể:
Một là, điều hành chính sách tài khóa thận trọng; Phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ba là, tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Tập trung triển khai sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020; Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không cần nắm giữ cổ phần chi phối; Hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Bốn là, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Tập trung hoàn thiện, ban hành các danh mục sự nghiệp công sử dụng NSNN; Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập; Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý; Từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của nhà nước sang cơ chế đặt hàng.
Năm là, tổ chức phổ biến, quán triệt việc thi hành Luật cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Ban hành quyết định phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, nhà nước còn định giá, bình ổn giá. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; Phát triển và nâng cao chất lượng thị trường dịch vụ tài chính; Tiếp tục hoàn thiện thị trường kế toán, kiểm toán.
Bảy là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; Kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực hiệu quả; Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định; Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Tám là, chủ động hội nhập tài chính quốc tế; Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực, quốc tế; Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký kết.
Chín là, tập trung chỉ đạo, điều hành, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 diễn ra bình thường; Theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây biến động giá bất thường. Chủ động điều hành ngân sách, đảm bảo nguồn chi trả lương, các chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng trong dịp Tết này.
Theo Tapchitaichinh.vn