Doanh nghiệp Việt muốn Nhật giúp cả công nghệ lẫn đầu ra
(tin kinh te)
Doanh nghiệp Việt nên liên kết với doanh nghiệp Nhật để giải quyết bài toán về công nghệ nguồn thay vì nhập thiết bị công nghệ từ Nhật với giá cao.
Kết hợp lợi thế thiên nhiên ưu đãi, nguồn nhân lực dồi dào của VN cùng công nghệ, kỹ thuật Nhật Bản để cho ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Ảnh tư liệu.
“Chuyển giao công nghệ cho VN chỉ thành công nếu được bảo đảm đầu ra. Phía Nhật chuyển giao công nghệ là tốt, song hãy giới thiệu luôn cho chúng tôi đầu ra, bởi lẽ làm các sản phẩm như nông nghiệp công nghệ cao cần chi phí lớn, khó tiêu thụ ở VN” - ông Đinh Minh Hiệp, trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, đặt vấn đề tại diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt - Nhật ngày 31-7 ở TP.HCM. Theo ông Hiệp, ứng dụng công nghệ Nhật chỉ có xuất sản phẩm sang Nhật là tối ưu nhất cho doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, ông Mukuta Satochi - giám đốc điều hành Liên đoàn kinh tế Keidanren - cho rằng muốn xuất sang Nhật, doanh nghiệp buộc phải sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật hoặc tiêu chuẩn quốc tế khắt khe và khi đó không bán sang Nhật vẫn có thể dễ dàng bán sang các nước khác. Nếu chưa bán được sang Nhật, doanh nghiệp có thể bán sang các nước xung quanh, nơi có đông người Nhật sinh sống làm ăn để phục vụ đối tượng này.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán công sứ VN ở Nhật Bản, cho rằng doanh nghiệp Việt nên liên kết với doanh nghiệp Nhật để giải quyết bài toán về công nghệ nguồn thay vì nhập thiết bị công nghệ từ Nhật với giá cao. Doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ ít thông tin, có thể gửi email đến thương vụ VN tại Nhật để tìm kiếm cơ hội hợp tác nếu có nhu cầu.