tin kinh te

Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là mặt hàng nhạy cảm EU muốn bảo hộ

(Tin kinh te)

Theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, Liên hiệp châu Âu (EU) mở cửa cho nhiều hàng hóa của Việt Nam, nhưng nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam lại là mặt hàng nhạy cảm mà EU muốn bảo hộ.

Dệt may, giày dép và thủy sản nhìn chung là những mặt hàng được kỳ vọng hưởng lợi nhiều trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đàm phán trong những năm gần đây, trong đó có FTA VN-EU. Tuy nhiên, dệt may và giày dép lại là những mặt hàng nhạy cảm đối với EU.

nhieu mat hang the manh cua viet nam la mat hang nhay cam eu muon bao ho

Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam là mặt hàng nhạy cảm EU muốn bảo hộ


Xuất xứ hàng may mặc: từ vải trở đi

Theo đó, EU sẽ bỏ thuế cho hai hàng hóa này, nhưng không bỏ thuế ngay mà trong thời gian bảy năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Hiện thuế suất bình quân hàng dệt may từ Việt Nam vào EU phải chịu là 9,6%.

Ngoài ra, theo bản ghi nhớ giữa hai bên, EU sẽ xóa bỏ thuế cho những mặt hàng này, nhưng cũng sẽ có những biện pháp để đảm bảo hàng hóa Trung Quốc không tận dụng được hiệp định để tràn vào thị trường EU. Theo đó, EU đưa ra quy tắc xuất xứ khá nghiêm ngặt đối với hàng may mặc là phải được may từ vải sản xuất tại Việt Nam và vải sản xuất tại Hàn Quốc - một đối tác FTA khác của EU.

Hiện Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vải từ Trung Quốc, do đó, trước mắt, đây có thể là một thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng về lâu dài có thể là động lực để khuyến khích ngành sản xuất vải trong nước phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu vải với kim ngạch 4,98 tỉ đô la Mỹ, trong đó từ Trung Quốc gần 2,53 tỉ đô la Mỹ, từ Hàn Quốc trên 890 triệu đô la Mỹ và từ Đài Loan trên 778 triệu đô la Mỹ.

Theo ban nghiên cứu của Ngân hàng HSBC, việc EU đưa ra quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt trên có nghĩa là một số doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt doanh nghiệp dệt may đến từ các quốc gia mới nổi tại châu Á có thể được khuyến khích di chuyển một số khâu sản xuất đến Việt Nam để tận dụng hiệp định này.

Đối với mặt hàng giày dép, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso), hiện giày dép nhập khẩu vào EU chịu mức thuế dao động từ 3% đến 17%. Khi thuế suất này được đưa xuống 0%, các doanh nghiệp nhập khẩu của EU sẽ hưởng lợi. Lợi ích đối với doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này là đơn hàng của các thương hiệu lớn sẽ chuyển từ các nước còn đang chịu thuế cao khi nhập vào EU sang Việt Nam. Theo đó, ông Kiệt cho rằng, lợi ích mà doanh nghiệp giày dép tại Việt Nam được hưởng chính là tăng trưởng về xuất khẩu, nhưng chưa chắc khách hàng đã tăng giá cho doanh nghiệp sản xuất.

Ông Kiệt nói hiện ông chưa có đầy đủ thông tin cụ thể về việc mở cửa của EU cho giày dép Việt Nam, tuy nhiên có khả năng EU sẽ mở rộng cửa thị trường cho giày thể thao của Việt Nam. Hiện nhiều nước tại châu Âu, như Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và một phần phía Nam nước Pháp, vẫn còn đang sản xuất giày để cung cấp cho thị trường của họ. Do đó, có khả năng châu Âu sẽ vẫn bảo hộ những loại giày nữ cao cấp. Mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam là giày thể thao thì không ảnh hưởng đến ngành sản xuất giày dép nội địa của châu Âu. Tuy nhiên, có thể EU sẽ đưa ra định nghĩa cụ thể, như tỷ lệ da cho phần mũ da (phần trên của giày làm từ da) để phân biệt giày da và giày thể thao.

Khi được hỏi liệu hiện nay đã có hiện tượng doanh nghiệp châu Âu chuyển đơn hàng sang Việt Nam, ông Kiệt cho rằng, nếu không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì có thể sẽ thấy được hiện tượng này. Tuy nhiên, do Việt Nam đang đàm phán TPP, nên phần lớn nhà sản xuất Hàn Quốc, Đài Loan tại Việt Nam đều đang mở rộng sản xuất nhắm vào thị trường Mỹ. Thị trường EU nhìn chung đã bão hoà, bản thân một số nước EU vẫn còn sản xuất giày, trong khi Mỹ nhập khẩu để đáp ứng đến 99% nhu cầu giày - dép. Những nhà sản xuất giày này đoán rằng có thể Mỹ sẽ mở toang cửa ngay lập tức cho giày dép nhập khẩu. Ngoài ra, xét đến sức bền về kinh tế trong tương lai, Mỹ vẫn có tiềm năng hơn thị trường EU.

Theo cam kết của EU, đối với một số mặt hàng nông sản nhạy cảm, EU sẽ không xóa bỏ hoàn toàn thuế quan cho Việt Nam mà xóa bỏ thuế quan cho một số mặt hàng với hạn ngạch cụ thể, như gạo, bắp ngọt (sweet corn), tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa nhiều đường, bột sắn (manioc starch), cá viên (surimi) và cá ngừ đóng hộp. Đối với thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU cũng sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong vòng bảy năm.

Đối với gạo, EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng bảy năm, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên.

EU sẽ xóa bỏ thuế ngay cho mặt hàng mật ong từ Việt Nam khi hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan. Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh, về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Đầu tư, mua sắm công: mức độ cam kết cao hơn trong WTO

Theo cam kết, hầu hết máy móc thiết bị xuất khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn ngay khi hiệp định có hiệu lực. Chỉ có một số loại máy móc thiết bị sẽ được dỡ bỏ thuế sau năm năm hiệp định có hiệu lực.

Khoảng một nửa số dược phẩm nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, số còn lại sẽ được bỏ thuế sau bảy năm. Toàn bộ vải nhập khẩu từ EU cũng sẽ được bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Và gần 70% hóa chất từ EU cũng được bỏ thuế ngay lập tức, số còn lại sẽ được bỏ thuế sau 3, 5 và 7 năm.

Việc xóa bỏ thuế cho các mặt hàng trên được xem là sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị và hóa chất để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, máy móc nhập khẩu từ EU vào Việt Nam hiện cũng đã có mức thuế khá thấp, với thuế suất bình quân là 2,31%, máy bay là 1,98%, dược phẩm 2,46%.

Xe máy có dung tích xy-lanh trên 150 cen ti mét khối từ EU vào Việt Nam có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu bảy năm, và thuế ô tô sẽ được bỏ sau 10 năm. Riêng xe ô tô có động cơ lớn trên 3.000 cc đối với loại chạy bằng xăng và trên 2.500 cc đối với loại chạy bằng dầu diesel sẽ được bỏ thuế sớm hơn một năm, tức sau chín năm. Hiện ô tô nhập khẩu từ EU vào Việt Nam có thuế suất bình quân khá cao (71,85%).

Việt Nam cũng đồng ý mở cửa thị trường cho hầu hết thực phẩm từ châu Âu. Trong đó, rượu vang, rượu mạnh, thịt heo đông lạnh sẽ được loại bỏ thuế sau bảy năm, thuế đối với thịt bò được bỏ sau ba năm, sản phẩm sữa sau năm năm, và thịt gà sau 10 năm.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty VISSAN, lộ trình xóa bỏ thuế với thịt heo đông lạnh từ EU khá dài, đủ thời gian cho doanh nghiệp trong nước chuẩn bị và thay đổi. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi cả ngành chăn nuôi phải cùng nhau thực hiện. Kinh nghiệm trong những hiệp định khác cho thấy doanh nghiệp trong ngành thường thiếu chủ động và kiểm soát chiến lược yếu. Chẳng hạn như với cam kết của Việt Nam trong WTO, lộ trình mở cửa khá rõ, nhưng doanh nghiệp không chuẩn bị, nên đến những năm gần cuối lộ trình cắt giảm thuế, doanh nghiệp cố gắng để giải quyết các yếu kém thì không còn kịp nữa.

Ông Mười cho biết thêm, hiện thịt heo đông lạnh từ EU chưa thể ảnh hưởng ngay đến doanh nghiệp trong nước, do khoảng cách địa lý và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam là thích dùng thịt nóng (tức không qua cấp đông - PV). Tuy nhiên, về lâu dài, khi thói quen tiêu dùng thay đổi và thuế quan được đưa xuống 0%, thịt heo trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ thịt heo đông lạnh EU. Đối với mặt hàng thịt heo, hiện giá thành tại Việt Nam cao hơn EU 25-30%, trong khi sản phẩm của EU có tiêu chuẩn chất lượng tốt hơn.
Về mua sắm chính phủ, Việt Nam cho phép các công ty EU được tham gia đấu thầu cho các hợp đồng mua sắm công của các bộ (trong đó có cơ sở hạ tầng như đường sá và cầu), của các doanh nghiệp nhà nước quan trọng (như công ty phân phối điện và công ty điều hành đường sắt quốc gia, 34 bệnh viện công) và của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Việt Nam và EU thống nhất tuân theo các quy định tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu... Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.

Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.

Về đầu tư, Việt Nam cam kết cho các công ty EU được tiếp cận nhiều nhất có thể thị trường dịch vụ, cao hơn trong cam kết của Việt Nam trong WTO, trong các lĩnh vực gồm dịch vụ chuyên môn, dịch vụ môi trường, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải hàng hải. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước. Mức độ tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO được đánh giá là đã khá cao.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Xem tiếp bài thuộc chuyên đề

Fitch: FTA với EU là lợi thế của Việt Nam

Hiệp định FTA EU – Việt Nam: Thay đổi cuộc chơi

Mới cập nhật

Đầu tư an toàn và hiệu quả từ sản phẩm Lộc Vàng của TIKLUY

Cách chọn định dạng CV phù hợp với nhu cầu của bạn

Cách viết thư xin việc ấn tượng cho người chưa có kinh nghiệm

NEU CAREER WEEK 2024: Nguồn nhân lực thích ứng với toàn cầu hóa

7 điều hết sức đơn giản nhưng giúp CV chuyên nghiệp và nổi bật

Scribbles’ Tour 2024: Vọng Dấu Ẩn Tích

“Săn” việc mùa tuyển dụng: các lưu ý để không bỏ lỡ