FTA Việt Nam - EU: Dệt may thoát lệ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc
(Thuong mai)
Dệt may Việt Nam sẽ được miễn thuế xuất khẩu sang EU sau 7 năm. Ngược lại, các mặt hàng dệt may nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay sau khi hiệp định FTA được ký kết. Liệu rằng, lộ trình cắt giảm thuế quan này có lợi cho EU nhiều hơn?
Trao đổi với báo giới, ông Jean - Jacques Bouflet, Trưởng bộ phận thương mại và kinh tế, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) cho hay, theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU, đối với ngành dệt may và giày dép, Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% trong lộ trình 7 năm. Ở chiều ngược lại, EU được dỡ bỏ thuế với dệt may, giày dép xuất sang Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Dường như lộ trình cắt giảm thuế quan này có lợi cho EU nhiều hơn?
Báo cáo gần đây nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng dệt may sang EU ước đạt 1,54 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ. EU hiện là thị trường nhập khẩu mặt hàng này đứng thứ 3, chỉ sau Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Còn theo số liệu từ Ủy ban Châu Âu chỉ ra rằng năm 2014, kim ngạch thương mại hàng hóa Việt Nam - EU đạt 30,76 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào USD đạt 24,02 tỷ USD.
Các sản phẩm của EU xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao bao gồm máy móc thiết bị điện, xe cơ giới, và các sản phẩm dược phẩm.
Vì vậy, ông Jean - Jacques Bouflet cho rằng, đây không phải là hạn chế đối với ngành xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, EU cũng đồng ý giảm thuế quan đối với các mặt hàng dệt may có nguyên liệu xuất xứ từ Việt Nam hoặc các nước có chung đối tác FTA với EU như Hàn Quốc, không có Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng bàn là nguyên liệu xuất xứ hàng dệt may Việt Nam hiện nay vẫn nhập khẩu 88%, trong đó chủ yếu là nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Như vậy, chắc chắn sẽ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập.
Trao đổi với Vinanet, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc giảm thế suất thuế cho mặt hàng EU vào Việt Nam xuống 0% và EU giảm dần thuế suất cho hàng Việt Nam vào thị trường trong 7 năm gần như không có ảnh hưởng gì nhiều.
Bởi thực tế theo bà Dung, các mặt hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu từ EU không phải nguyên phụ liệu mà chủ yếu là hàng thời trang có giá thành cao, khó cạnh tranh với sản phẩm nội địa.
Theo đó, bà Dung cho rằng thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam chính là phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Vì đây là điểm yếu lâu năm của ngành dệt may Việt Nam.
Thực tế, những năm vừa qua Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu của Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần phải quy hoạch phát triển từ dệt nhuộm, sợi đến sản xuất ở Việt Nam. "Cũng có những đơn vị như Thành Công, Dệt may Nam Định làm được từ sợi đến sản phẩm may nhưng quy mô nhỏ, chất lượng chưa tốt"- Bà Dung chia sẻ.
Theo vị này, để cạnh tranh và tiếp cận vào thị trường này, một mặt ngành dệt may phải khai thác mạnh nguyên phụ liệu trong nước, mặt khác khai thác của những nước được EU thừa nhận.
“Doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu, kêu gọi đầu tư vào nguyên phụ liệu. Ngoài ra, phải tính toán nếu trước đây nhập Trung Quốc vì nguyên phụ liệu giá rẻ, chất lượng ổn, thì khi hiệp định được ký kết, thuế nhập khẩu được giảm có thể nhập ở các nước khác EU đồng ý mà vẫn cạnh tranh được”, bà Dung nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Hà Nội cũng cho rằng, cách tính thuế suất theo lộ trình như vậy vẫn có lợi nhiều hơn cho Việt Nam. Bởi các sản phẩm EU xuất sang chủ yếu nâng cao ở giá trị thương hiệu.
“Nhà nước cũng nên có chính sách ủng hộ vay vốn, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu cho dệt may. Đây là điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau, trưởng thành và phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ coi chừng trước nguy cơ bị tụt lại”, ông Hải cảnh báo.