Tin thế giới đọc nhanh chiều 01-07-2016
Nga không sợ dầu và Brexit
Giá dầu cao trở lại nhanh chóng vẫn chưa thể dự đoán trước được, tuy nhiên sự phụ thuộc của đồng ruble vào giá dầu đã giảm. Đây là tuyên bố của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina.
Theo ý kiến của Thống đốc ngân hàng, dự báo lạc quan của các nhà chức trách sẽ dựa chủ yếu vào cải cách cơ cấu của nền kinh tế.
"Trong kết quả của cuộc cách mạng đá phiến, OPEC phần lớn đánh mất khả năng tác động đến giá dầu, bà Nabiullina nói.
Như ý kiến của bà Nabiullina, nước Nga sẽ có một thời gian phải sống trong điều kiện giá dầu thấp, cần chấp nhận đó là điều dĩ nhiên.
Tuy nhiên, bà lưu ý rằng, mặc dù sự phụ thuộc của tỷ giá đồng ruble vào giá dầu giảm, trị giá của đồng ruble vẫn đủ cao.
Theo lời bà Nabiullina, thị trường Nga đã nhẹ nhàng chấp nhận cú sốc đầu tiên từ quyết định của Anh rút khỏi EU (Brexit).
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga nói thêm rằng những hậu quả lâu dài của Brexit sẽ phụ thuộc vào các thỏa thuận cụ thể giữa các quốc gia và EU và tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính.
Elvira Nabiullina nhấn mạnh rằng Ngân hàng LB Nga luôn hướng tới mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2017.
Trung Quốc chế siêu tên lửa 3.000 tấn
Siêu tên lửa này có đường kính thân gần 10 m và chiều dài gần 100 m, nếu tiến triển thuận lợi có thể thực hiện nhiệm vụ đầu tiên trong 15 năm tới.
Trong một tiết lộ được Tân Hoa xã đăng tải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Khoa học Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc, ông Dương Bảo Hoa, cho hay công ty đã hoàn thành luận chứng về việc chế tạo tên lửa đẩy hạng nặng nêu trên và đang ở trong giai đoạn thiết kế tổng thể.
Theo thiết kế, loại tên lửa này có đường kính gần 10 m, dài gần 100 m, nặng trên dưới 3.000 tấn, có thể mang theo khoảng 100 tấn, nghĩa là gấp hơn 5 lần năng lực của các loại tên lửa đẩy hiện nay.
Nó hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu đưa người thám hiểm Mặt Trăng, lên Sao Hỏa lấy mẫu vật mang về Trái Đất…, giúp Trung Quốc bảo đảm quyền phát ngôn trong việc thám hiểm vũ trụ hay không gian lớn hơn, xa hơn trong tương lai.
Ông Dương Bảo Hoa cho biết thêm Công ty Tập đoàn Khoa học Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc có kế hoạch đạt được hàng loạt đột phá công nghệ liên quan trong 4 - 5 năm tới, đặt nền móng cho việc nghiên cứu phát triển chương trình tên lửa đẩy hạng nặng.
Nếu công việc tiến triển thuận lợi, ông Dương Bảo Hoa nhận định, trong 15 năm tới, siêu tên lửa 3.000 tấn sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên, giúp cải thiện mạnh mẽ năng lực tự chủ tiến vào không gian của Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc bắn tín hiệu về ADIZ trên Biển Đông
Chiều 30/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nói về việc nước này có thiết lập hay không và khi nào lập ADIZ trên Biển Đông.
Hôm qua (30/6), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Ngô Khiêm.
Tại cuộc họp báo kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ này, ông Ngô Khiêm đã trả lời một số câu hỏi về Biển Đông, từ bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về việc Trung Quốc xây “Trường Thành tự cô lập” trên Biển Đông tới việc tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng phía Trung Quốc có năng lực kéo chiến hạm cũ (Philippines đang dung làm nơi đóng quân) ra khỏi Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái, Philippines gọi là bãi Ayungin.
Về vấn đề Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ), ông Ngô Khiêm nhấn mạnh việc Trung Quốc có thiết lập hay không, khi nào thiết lập ADIZ phụ thuộc vào Trung Quốc có phải đối mặt với mối đe dọa an ninh không trung hay không và mức độ đe dọa an ninh không trung như thế nào.
Trước đó, vào ngày 1/6, tờ South China Morning Post của Hong Kong (Trung Quốc) dẫn các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cảnh báo “nếu quân đội Mỹ tiếp tục có hành vi khiêu khích để thách thức chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực, đây sẽ là cơ hội tốt để Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở Biển Đông”.
Tạp chí Bình luận Quân sự Kanwa của Canada thì cho rằng Bắc Kinh đã xác định ADIZ ở Biển Đông. Thời điểm công bố sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian và được xem như một quyết định chính trị. “ADIZ của Trung Quốc sẽ bao trùm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia”, tờ tạp chí nhận định.
Trung-Nhật phải lập đường dây nóng để tránh xung đột
Đây là đề nghị của tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng quốc tế nêu trong báo cáo 21 trang với tiêu đề “Biển Hoa Đông: Phòng chống va chạm để không trở thành khủng hoảng”.
Báo cáo được công bố ngày 30/6 ghi nhận vụ tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) giữa Nhật và Trung Quốc đã gây trở ngại cho tiến trình đàm phán thiết lập một cơ chế giám sát khủng hoảng. Đàm phán về vấn đề này được nối lại hồi tháng 1/2015 nhưng rồi tiếp tục kéo dài.
Báo cáo đề nghị Bắc Kinh rút yêu sách chủ quyền Senkaku khỏi các cuộc đàm phán và không dùng điều đó làm công cụ để gây sức ép chính trị hoặc đòi hỏi Tokyo nhượng bộ. Về phía Nhật, báo cáo đề nghị Tokyo không quy kết và phê phán quyền tự do đi lại của Bắc Kinh trong hải phận quốc tế phía tây Thái Bình Dương.
Theo báo cáo, hai nước cần lập đường dây nóng tránh xung đột. Đường dây nóng từng được thiết lập vào tháng 10/2000 nhưng sau đó bị hủy bỏ sau khi Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi (cầm quyền từ năm 2001 đến 2006) đến thăm đền tưởng niệm Yakukuni.
Báo cáo của Nhóm Khủng hoảng quốc tế nhận định tái lập đường dây nóng sẽ là bước đầu tiên để lập một cam kết quản lý khủng hoảng mà nếu được áp dụng trong từng giai đoạn thì có thể “dẹp qua một bên” chuyện tranh chấp chủ quyền. Đường dây nóng cũng tạo nền tảng cho các cuộc liên lạc quốc phòng để về lâu dài giúp ổn định quan hệ song phương và bảo đảm liên lạc giữa quân đội hai nước.
Nhóm Khủng hoảng quốc tế đề nghị đường dây nóng luôn được mở suốt, người điều hành phải có quyền tiếp xúc ngay với các nhà hoạch định chính sách và lực lượng tiền phương, đồng thời có quyền ban hành quyết định kiềm chế khủng hoảng. Mục đích nhằm tránh va chạm ngoài ý muốn giữa máy bay và tàu chiến hai nước ở biển Hoa Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị APEC. Ảnh: AP
Nhóm Khủng hoảng quốc tế lưu ý quan hệ lạnh lẽo Trung-Nhật đã được cải thiện từ cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Shinzo Abe hồi năm 2014. Nhờ thủ tướng Nhật tránh tranh cãi, Bắc Kinh đã giảm căng thẳng với Nhật. Bởi thế “Trung-Nhật cần tranh thủ cơ hội từ sự hòa giải mong manh hiện nay để lập quan hệ quản lý khủng hoảng”.
Báo South China Morning Post ghi nhận do Trung Quốc toan tính mở rộng sự hiện diện ở phía tây Thái Bình Dương, Nhật đã phản ứng lại bằng cách tăng cường phòng thủ ở phía nam. Nhật cũng lo ngại Bắc Kinh lợi dụng cơ chế giám sát khủng hoảng để bào chữa cho sự hiện diện quanh quần đảo Senkaku hoặc sẽ yêu cầu Nhật giảm tuần tra quanh quần đảo này.
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo trực diện Trung Quốc về Biển Đông
Không chỉ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), truyền thông Nhật Bản dẫn nguồn tin ngoại giao còn cho biết ông Kerry đã cảnh báo trực diện Trung Quốc về Biển Đông.
Hai cụm tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) và USS Ronald Reagan (CVN 76) đã được quân đội Mỹ triển khai ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Hãng tin Kyodo ngày 30/6 dẫn thông tin từ nhiều nhà ngoại giao Mỹ cho biết tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung tổ chức tại Bắc Kinh vào thượng tuần tháng 6/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo phía Trung Quốc về hậu quả của những hành vi trên Biển Đông.
Theo ông Kerry, những hành vi như thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nếu như được nhận định là động thái khiêu khích, phía Mỹ sẽ có hành động đáp trả cần thiết.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ còn nói phán quyết của PCA được toàn thế giới quan tâm chú ý, yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ phán quyết này, đồng thời bày tỏ bất mãn trước việc Trung Quốc du thuyết các nước ASEAN không ủng hộ phán quyết của PCA.
Ngoài ra, nguồn tin ngoại giao của hãn Kyodo cho biết thêm Chính phủ Mỹ còn thông qua các kênh khác nhau bắn tín hiệu yêu cầu Trung Quốc phải có hành động kiềm chế cụ thể trước khi đảm nhiệm vai trò nước Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh G-20.