Người châu Á nào thua lỗ nhiều nhất vì Brexit?
(Tai chinh)
Sở hữu hàng ngàn cửa hàng mỹ phẩm, tham gia vào nhiều lĩnh vực từ dịch vụ viễn thông, bến cảng đến khí đốt tại xứ sở xương mù, cứ mỗi lần đồng bảng Anh tăng giảm 1%, thu nhập của người đàn ông giàu nhất châu Á cũng sẽ tăng giảm 0,5% theo tỷ lệ thuận. Và trong nhiều ngày qua, đồng bảng đã liên tục lao dốc.
Kể từ khi Anh bất ngờ chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tài sản của người đàn ông giàu nhất châu Á, Li Ka-shing đã bị sụt giảm đáng kể. Hai công ty của Li là Li’s CK Hutchison Holdings Ltd và Cheung Kong Infrastructure Holdings Ltd đã giảm hơn 8% giá trị và đó cũng là mức “thua lỗ” nhiều nhất trong số các công ty được niêm yết trên sàn Hồng Kông.
Trước đó, vị tỷ phú bất động sản đã kêu gọi người Anh nên phản đốiBrexit vì cho rằng điều đó sẽ gây ra những tình cảnh tiêu cực không chỉ với Anh mà còn cho toàn châu lục.
Ngoài ra, Li còn là một trong những người đầu tư lớn nhất vào Anh Quốc, bao gồm hàng ngàn cửa hàng mỹ phẩm Superdrug và Savers, dịch vụ điện thoại, bến cảng cũng như khí đốt và năng lượng điện.
Đó là những hoạt động kinh doanh cơ bản hàng đầu tại xứ sở xương mù thuộc sở hữu của công ty mẹ CK Hutchison, chiếm 37% tổng thu nhập trước lãi vay và thuế của tập đoàn này trong năm ngoái.
“Công việc kinh doanh của Li tại châu Âu sẽ gặp những khó khăn trong năm tới, từ góc độ quy đổi ngoại tệ cho đến thu nhập cơ bản và tăng trưởng”, Sandy Mehta, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Value Investment Principals có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.
Sự giảm sút của đồng bảng Anh là tin xấu và ảnh hưởng đến đến lợi nhuận của tập đoàn CK Hutchison do Li sở hữu. “Cứ mỗi lần đồng tiền này tăng giảm 1%, thu nhập định kỳ của công ty cũng sẽ tăng giảm 0,5% theo tỷ lệ thuận”, Benjamin Lo, một chuyên gia phân tích tại Hồng Kông cho biết. Và chỉ trong hai ngày, đồng bảng đã giảm khoảng 10%, khiến tài sản của Li càng bị thu hẹp.
Mặc dù CK Hutchison bị cả hai ngân hàng lớn là Morgan Stanley và Citigroup đánh tụt bậc xếp hạng trên thị trường chứng khoán do những hệ lụy từ Brexit, Li vẫn lạc quan về tương lai. Trong một phát biểu mới nhất, Li cho biết, “Chúng tôi tin tưởng rằng các doanh nghiệp của mình tại Anh Quốc – vốn tập trung mạnh vào mảng cung cấp hàng hòa và dịch vụ thiết yếu cho cộng đồng Anh – sẽ tiếp tục phát triển mạnh”.
Tuy nhiên, những lời nói đầy khích lệ của Li vẫn không thể ngăn sự suy giảm trong giá trị thị trường của các doanh nghiệp mà ông làm chủ. CK Hutchison đóng cửa ở mức thấp nhất trong năm tháng, trong khi cổ phiếu của Cheung Kong Infrastructure giảm 5%.
Tại Hồng Kông
Là một cựu thuộc địa của Anh, Hồng Kông hiện vẫn là đối tác làm ăn lớn và có mối quan hệ mật thiết với Anh nói chung và với các ngân hàng HSBC và Standard Chartered có trụ sở tại Luân Đôn nói riêng. Cùng với Bank of China, đây là hai trong ba ngân hàng trực tiếp in đồng tiền của thành phố, cùng với Bank of China.
“Thị trường thế giới đang ở trong chế độ risk-off (mức độ cảm nhận rủi ro ở mức cao) và các nhà đầu tư đang lo lắng những hệ lụy tiêu cực từ Brexit vẫn chưa dừng lại”, Wang Zheng, giám đốc đầu tư tại Jingxi Investment Management cho biết. “Với sự gắn bó chặt chẽ của Hồng Kông với thị trường quốc tế và thực tế là các công ty niêm yết trên sàn có nhiều hoạt động kinh doanh với Anh Quốc, các cổ phiếu vẫn sẽ chịu áp lực giảm”
Các công ty Hồng Kông còn có nhiều lo ngại phải đối mặt khi đồng HKD (đô la Hồng Kông) đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm so với đồng Nhân dân tệ. Điều này đồng nghĩa hàng hóa của Hồng Kông sẽ có giá cao hơn và không còn hấp dẫn trong mắt người mua đến từ đại lục.