Cử tri Anh sẽ đứng trước lựa chọn quan trọng đi hay ở lại EU vào ngày 23/6. (Ảnh: Telegraph)
Giới phân tích cho rằng, Anh rời EU sẽ khiến trật tự ổn định của châu Âu bị phá vỡ, để lại cả EU và Anh trong tình cảnh dễ bị tổn thương.
Nếu các cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này rời khỏi Liên minh châu Âu EU, điều đó có thể kích hoạt một quá trình phân mảnh các cấu trúc chính trị và an ninh vốn được định hình kể từ sau Thế chiến thứ hai và thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh.
Theo các chuyên gia phân tích, ngay kể cả khi Anh dừng bước trước vực thẳm, ở lại EU sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 thì hậu quả của các cuộc tranh cãi về việc đi hay ở sẽ không dễ gì tan biến trong một sớm một chiều.
Vấn đề hiện nay khiến giới chức châu Âu đau đầu đó là làm sao để Brexit không trở thành một làn sóng nhanh chóng lan rộng trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, có một thực tế là không ai biết phải ngăn chặn khả năng này xảy ra như thế nào, tất cả chỉ là mong đợi làn sóng đó dừng lại ở trường hợp duy nhất với nước Anh.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hồi tuần trước lên tiếng cảnh báo rằng: “Brexit là sự khởi đầu cho sự tàn phá, không chỉ với Liên minh châu Âu mà còn với toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây”.
Ông Tusk cũng đồng thời nhận định rằng, Thủ tướng Anh David Cameron đã thành công trong việc chuyển hướng dư luận thông qua cuộc trưng cầu ý dân lần này. Mục tiêu cao nhất của ông Cameron là đòi đàm phán lại tư cách thành viên của Anh trong EU và người đứng đầu chính phủ Anh rất khôn khéo khi sử dụng lá phiếu của cử tri Anh để gây sức ép lên giới tinh hoa châu Âu.
Chủ nghĩa dân túy lên ngôi?
Lực lượng ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia thành viên của khối, điều này được cho là bắt nguồn từ sự bất mãn, từ nỗi lo mất việc làm do phải cạnh tranh với lao động nhập cư cũng như những vấn đề đặt ra của những xã hội có dân số ngày càng già hóa.
Tháng 4/2016, Hà Lan tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về hiệp ước liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine. Cuộc trưng cầu chỉ mang tính tham khảo, nghĩa là Chính phủ Hà Lan không bắt buộc phải thực hiện theo kết quả của cuộc bỏ phiếu.
Thông tin về cuộc trưng cầu ý dân tràn ngập trên các mặt báo ở Anh. (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, nó đã để lại cho nhà chức trách Hà Lan cũng như giới lãnh đạo châu Âu những câu hỏi hóc búa về tính pháp lý của hoạt động này.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người tự hào đã tạo dựng nên một nền “dân chủ có kiểm soát” cũng đang có kế hoạch tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân vào tháng tới về việc chia sẻ gánh nặng liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư, bất chấp các quy định của EU.
Những mối lo về tư tưởng “bài liên minh” cũng được thể hiện rõ trong cuộc bầu cử Tổng thống Áo hồi tháng 5 vừa qua khi ứng cử viên của đảng cực hữu bài ngoại lọt vào vòng 2 và chỉ chịu thất bại sít sao vào phút chót.
Một cuộc khảo sát mới đây nhất do Pew Research Center thực hiện cho thấy, những người ủng hộ EU đã giảm đáng kể trên khắp châu Âu, chứ không phải ở một số quốc gia đơn lẻ.
Đáng chú ý, tỷ lệ người ủng hộ EU giảm mạnh nhất lại chính là ở Pháp – một trong số các quốc gia sáng lập ra Liên minh châu Âu. Theo đó, hiện chỉ có 38% người được hỏi ủng hộ EU, con số này thậm chí còn thấp hơn cả ở Anh.
Tuy vậy, các kết quả này không phản ánh khả năng những nước có tỷ lệ người ủng hộ EU thấp rời khỏi khối. Điều trớ trêu là chính cách nước được EU ủng hộ mạnh mẽ nhất là Ba Lan và Hungary – hai quốc gia thụ hưởng chính từ ngân quỹ của EU lại có Chính phủ thể hiện quan điểm bài EU sâu sắc nhất.
Có thể thấy rõ, trước cuộc trưng cầu ý dân ở Anh, thái độ thù địch công khai xuất hiện khi các nước phải chia sẻ rủi ro tài chính, trách nhiệm nhân đạo.
“Xét trên phương diện nào đó thì chủ nghĩa dân túy đã giành chiến thắng bởi vì nó đang thiết lập chương trình nghị sự cho các bên chính thống”, Heather Grabbe, chuyên gia tại Viện Đại học châu Âu ở Florence, Italy nhận định.
Ai là người lo lắng nhất?
Trong số những bên lo ngại nhất khi kịch bản Brexit trở thành hiện thực phải kể đến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hơn ai hết, Mỹ và NATO tin rằng, việc Anh rời khỏi EU sẽ làm suy yếu sự thống nhất của phương Tây cũng như quyết tâm để giải quyết những thách thức an ninh đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Cái chết của nữ nghị sĩ Jo Cox được cho là có liên quan đến Brexit. (Ảnh: PA)
Không thể phủ nhận rằng, London từ lâu đã là đồng minh thân cận bậc nhất của Washington về an ninh - quốc phòng và tình báo, nhưng thực tế đã phải miễn cưỡng tham gia vào hoạt động quân sự do Mỹ phát động ở Iraq và Afghanistan bởi đây là các cuộc chiến không hợp lòng dân.
Một số người ủng hộ Brexit cho rằng, EU đã là “câu chuyện của dĩ vãng” và rằng việc rời khỏi EU sẽ giúp củng cố hơn nữa tầm ảnh hưởng của nước Anh đối với những vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, bản thân những người ủng hộ việc Anh rời khỏi EU cũng có những băn khoăn nhất định bởi không thể phủ nhận vai trò cũng như vị thế của EU trên trường quốc tế mà trong đó Anh là một “thành viên lớn”.
Nếu Anh rời EU, chúng ta sẽ thấy một nước Anh hướng nội hơn bởi cả hai đảng chính trị chính ở Anh đều “sa lầy” trong những tuyên bố cho thấy sự phản đối mạnh mẽ EU cùng với việc nhấn mạnh sẽ khép mình hơn là quảng bá những giá trị truyền thống của nước Anh.
“Dự án xây dựng một Liên minh châu Âu bắt nguồn từ hậu quả của Thế chiến thứ hai và thực tế là các bên liên quan đều đã rất nỗ lực để đảm bảo rằng, châu Âu không thêm một lần trở thành điểm nóng của bất ổn, bạo lực và những mối đe dọa tiềm tàng”, Richard Haas, Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại của Mỹ nhận định.
Trong bài viết đăng tải trên tạp chí The American Interest, ông Haas lưu ý rằng, đối với các chiến lược gia của Mỹ, khi hai cuộc chiến tranh thế giới đã đi qua và Chiến tranh Lạnh kết thúc thì thế giới đã trở nên “nhàm chán”. Nhưng không vì thế mà Brexit sẽ làm cho châu Âu trở nên “thú vị hơn” mà ngược lại nó sẽ khiến trật tự ổn định của châu Âu bị phá vỡ, để lại cả EU và Vương quốc Anh trong tình cảnh “yếu đuối và chia rẽ nhiều hơn”.
(Theo VOV)