Bom tấn Brexit rúng động thế giới
Mất Anh sẽ là thảm họa với Liên minh châu Âu bởi những thiệt hại to lớn về uy tín, kinh tế và chính trị
Cử tri Anh ngày 23-6 đã bỏ phiếu ủng hộ nước mình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chính thức châm ngòi quả bom tấn mang tên Brexit (thuật ngữ chỉ việc Anh rời EU) làm rúng động thế giới.
Gió đổi chiều
Brexit thật ra không phải là chuyện gì quá mới. Đây là mục tiêu chính trị được nhiều cá nhân, nhóm hoạt động và một số chính đảng theo đuổi ngay từ khi Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (tiền thân của EU) năm 1973. Trong cuộc trưng cầu ý dân năm 1975, cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Anh tiếp tục là thành viên cộng đồng này.
Kể từ đó đến nay, cuộc “hôn nhân” Anh - EU trải qua không ít thăng trầm. Một mặt, Anh ủng hộ mạnh mẽ EU phá bỏ những rào cản kinh tế trong nội bộ và mở rộng khối đến Đông Âu. Mặt khác, London cũng nhiều lần khiến EU phiền lòng, như từ chối tham gia khu vực đồng euro và Hiệp ước tự do đi lại Schengen. Ngay trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh cũng có khá nhiều nhân vật chống EU. Một phần lý do Thủ tướng Anh David Cameron hồi năm 2013 quyết định kêu gọi trưng cầu ý dân về chuyện đi hay ở là nhằm “bịt miệng” những thành viên “nổi loạn” này. Chỉ có điều, nhà lãnh đạo Anh không ngờ gió đã đổi chiều so với lần trưng cầu 41 năm trước đó.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6, cùng với chiến dịch vận động kéo dài 4 tháng trước đó, nêu bật sự chia rẽ sâu sắc trong lòng chính trường và xã hội Anh. 51,9% cử tri ủng hộ Brexit so với 48,1% ủng hộ Anh ở lại EU (gọi tắt là Bremain). Theo thống kê, cử tri lớn tuổi ủng hộ Brexit, trong lúc phần lớn cử tri trẻ muốn ở lại. Thủ đô London - Anh và Scotland đứng về phía EU nhưng nhiều khu vực ở miền Trung nước Anh, nơi không có được sự thịnh vượng như London, chọn ra đi.
Kết quả gây sốc trên chứng tỏ nỗi lo về tình trạng nhập cư ồ ạt, sự mất chủ quyền và kiểm soát từ xa của EU đã vượt lên trên cảnh báo của nhiều nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về những hiểm họa một khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời EU trong lịch sử 60 năm của khối này. Trước mắt, Thủ tướng Anh David Cameron, người thất bại trong “canh bạc” Bremain, trở thành nạn nhân đầu tiên của Brexit khi thông báo sẽ từ chức vào tháng 10 tới hôm 24-6.
Về lâu dài, theo tờ The New York Times, Brexit đã mở ra một chương mới không chắc chắn trong lịch sử Anh, cũng như khiến nước này đối mặt với câu hỏi phức tạp hơn về hướng đi trong tương lai? Liệu Anh sẽ tự tin, hướng ngoại, thân thiện với doanh nghiệp như các thủ lĩnh chiến dịch ủng hộ Brexit kỳ vọng hay trở nên suy yếu, đi theo đường lối chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại?
Tương lai bất định
Một vấn đề được quan tâm không kém là số phận của Liên hiệp Vương quốc Anh (gồm các nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) thời hậu Brexit. Reuters nhận định sự tồn tại của liên hiệp này cũng bị đe dọa khi các nhà lãnh đạo Scotland, nơi gần 2/3 cử tri bỏ phiếu ủng hộ Bremain, kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân mới về chuyện trở thành quốc gia độc lập. Đảng Sinn Fein theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở Bắc Ireland cũng cho rằng đã đến lúc tiến hành bỏ phiếu về chuyện đi hay ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh.
Lựa chọn của cử tri Anh còn là đòn mạnh giáng vào mối quan hệ Anh - EU. Trong số những tổn thất từ Brexit, có thể kể đến việc London sẽ không còn được tiếp cận thị trường duy nhất của EU. Điều này đồng nghĩa Anh phải tìm kiếm hiệp định thương mại mới với các nước trên thế giới. Những người ủng hộ Brexit tin rằng gạt bỏ EU sẽ khiến Anh tự do hơn trong việc ký kết thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, bài viết trên báo China Daily (Trung Quốc) ngay ngày 24-6 không khác gì gáo nước lạnh. “Ước tính trong nội bộ quan chức Trung Quốc cho thấy Anh cần đến 500 nhà thương thuyết và 10 năm nếu muốn đạt được thỏa thuận thương mại mới với Bắc Kinh. Đó là chưa kể nhiều nhà đầu tư Trung Quốc sẽ cân nhắc lại lợi ích của họ ở Anh” - tờ báo viết.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy nền kinh tế Anh sẽ chịu cú sốc lớn bởi Brexit, như GDP giảm 3,5%, nửa triệu người mất việc làm, giá nhà giảm 10%... (so với việc ở lại EU). Tương lai bất định cũng đang chờ 1,2 triệu người Anh đang sống tại các nước thành viên EU khác và 3 triệu công dân các nước EU sống tại Anh phía trước. Quy định của EU cho phép họ đi lại dễ dàng qua kênh đào Anh. Giờ đây, Brexit sẽ thay đổi đáng kể điều này.
Brexit cũng sẽ khiến EU hứng chịu không ít thiệt hại về uy tín, kinh tế và chính trị. Khối này sẽ mất đi một thành viên có quân đội hùng mạnh nhất và nền kinh tế mạnh thứ 2 (sau Đức), một thành viên có quyền phủ quyết của Hội động Bảo an Liên Hiệp Quốc và là một đồng minh thân cận của Mỹ. Không có Anh, EU sẽ mất khoảng 1/6 sản lượng kinh tế của mình. Đây rõ ràng là kết quả thảm họa trong bối cảnh EU đang phải vật lộn với một loạt thách thức lớn, như tăng trưởng chậm, thất nghiệp cao, khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro, làn sóng người di cư đông kỷ lục và cuộc đối đầu với Nga về Ukraine.
Không những thế, sự ra đi của Anh còn làm dấy lên câu hỏi về hướng đi, sự gắn kết và tương lai của EU, được xây dựng dựa trên những giá trị tự do và chủ quyền chia sẻ.
Anh có dễ rời EU?
Trong thông cáo ngày 24-6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (chủ tịch luân phiên của EU năm nay) tuyên bố cho đến khi tiến trình thương thảo chấm dứt (khoảng 2 năm), Anh vẫn là thành viên EU với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ.
Theo tờ The New York Times, nước Anh cần phải hoàn tất một tiến trình dài hơi với nhiều thủ tục mới thực sự rời khỏi EU. Các bước cơ bản của tiến trình này được mô tả trong điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Bước đầu tiên chính là thành viên muốn rời EU thông báo cho EC. Điều 50 không ấn định cụ thể thời điểm thông báo và hiện cũng chưa rõ khi nào Anh bắt đầu tiến trình này. Trong bài phát biểu từ chức sáng 24-6 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ không “kích hoạt” điều 50 mà dành nhiệm vụ đó cho người kế nhiệm.
Trong cả tiến trình rút lui, Anh vẫn phải tuân thủ mọi quy tắc và tham gia các hoạt động định kỳ của EU. Tuy nhiên, đại diện Anh tại EC không được tham gia vào tiến trình thảo luận hoặc bỏ phiếu liên quan đến việc ra đi của chính nước mình. Bước cuối cùng là Nghị viện châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng EU sẽ bỏ phiếu về vấn đề này. Trong trường hợp Anh và EU đạt được thỏa thuận “chia tay”, nhiều khả năng thỏa thuận này phải đem ra bàn tại Quốc hội Anh trước khi thông qua lần cuối.
Tiến trình thảo luận giữa Anh và EU nêu trên có giới hạn thời gian là 2 năm, bắt đầu từ lúc EC được thông báo. Hạn chót có thể được kéo dài nhưng với điều kiện được EC đồng ý. Anh sẽ mất toàn bộ lợi ích và không còn bất kỳ trách nhiệm nào của một thành viên EU, bao gồm cả quyền tự do thương mại và tự do đi lại trong khối.
Hải Ngọc
Thị trường thế giới “tắm máu”
Cú sốc Brexit đã gây ra cuộc “tắm máu” tại các thị trường tài chính khắp thế giới hôm 24-6, với sự lao dốc của giá cổ phiếu và giá trị nhiều đồng tiền.
Đáng chú ý, đồng bảng Anh sụt giảm tới 10%, chạm mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 1985, thấp hơn cả thời kỳ tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi đó, đồng euro giảm gần 4%. Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo đồng nội tệ của nền kinh tế đứng số 5 thế giới này có thể giảm sâu tới 20% giá trị sau khi London đoạn tuyệt với EU.
Không nằm ngoài dự đoán, thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm mạnh trong hoảng loạn, với chỉ số quan trọng hàng đầu Nikkei 225 của Nhật Bản mất gần 8%. Các thị trường chứng khoán lớn ở châu Âu còn gặp “ác mộng” tồi tệ hơn khi phần lớn sụt giảm ở mức 2 con số. Giới đầu tư tìm cách “tị nạn” ở những thiên đường an toàn, khiến giá vàng hoặc đồng yen của Nhật Bản tăng. Tuy nhiên, điều này lại khiến giới hoạch định chính sách đất nước mặt trời mọc đau đầu bởi Tokyo đang cố gắng giữ đồng tiền yếu hơn để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Theo trang Independent, ông Moritz Kraemer, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tín nhiệm của Cơ quan Standard & Poor’s (S&P), ngày 24-6 nhận định nền kinh tế Anh sẽ không thể trụ lại ở hạng tín nhiệm AAA và sẽ sớm bị hạ bậc trong thời gian ngắn. S&P là cơ quan xếp hạng tín nhiệm duy nhất trong 3 “ông lớn” thuộc lĩnh vực này còn để Anh ở mức cao nhất. Hai cơ quan còn lại là Moody’s và Fitch đã hạ bậc nước này từ năm 2013.
Theo tờ The New York Times, ít người nghĩ đến kịch bản tồi tệ là Brexit sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện giống như những gì thế giới chứng kiến sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) năm 2008. Tuy nhiên, không ai đủ mạnh dạn loại bỏ nguy cơ này khi thế giới chưa từng lâm vào tình trạng tương tự trước đó.
Trang tin The Vox cho rằng kịch bản dễ thở nhất là Anh có thể đàm phán để tiếp cận thị trường EU như khi còn là thành viên. Đổi lại, London sẽ phải chấp nhận một số quy định của khối. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính quyền Thủ tướng Anh David Cameron khiến khả năng tiến tới một thỏa thuận thuận lợi với EU trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. EU có thể quyết tâm dùng những mặc cả khắc nghiệt để làm nản lòng những nước nào muốn theo chân Anh. Nếu chính phủ mới của Anh không sẵn sàng thỏa hiệp, doanh nghiệp xứ sở sương mù sẽ đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng.
“Nếu bạn là nhà sản xuất xe hơi có sản lượng lớn ở Anh trước đây với cùng tiêu chuẩn an toàn và môi trường, bạn có thể tiêu thụ ở bất cứ đâu trên thị trường châu Âu. Nhưng nếu Anh rời EU, bạn có thể không bán vào thị trường châu Âu được nữa, không phải vì chuyện thuế má mà bởi bạn phải qua ải chứng nhận an toàn khác. Câu chuyện này lặp lại ở tất cả ngành công nghiệp khác” - ông Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), chỉ rõ.
Thu Hằng
Theo Người Lao Động