Ít nhất 27 phụ nữ Việt đã bị băng đảng 10 tên do người tên Li cầm đầu lừa bán sang Trung Quốc và "sang tay" nhiều lần.
Vinataba bị “dọa” kiện ra Tòa án quốc tế
- Cập nhật : 04/03/2016
(Tin kinh te)
Vinataba nói các sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu JET và HERO hiện đang có mặt bất hợp pháp tại Việt Nam là của Sumatra là hoàn toàn sai sự thật. Suamatra không nhập khẩu trái phép và cũng không cho phép các bên khác nhập khẩu trái phép thuốc lá JET và HERO vào Việt Nam.
Sau khi Vinataba nộp đơn đăng ký và đề nghị đình chỉ, hủy nhãn hiệu JET và HERO của Sumatra, Indonesia tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đại diện pháp lý của doanh nghiệp này tại Việt Nam và đại diện pháp lý của N.V.SUMATRA TOBACO TRADING COMPANY (Sumatra, Indonesia) tuyên bố họ sẽ có biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại Việt Nam như khởi kiện ra Tòa án quốc tế.
Sumatra “nổi đóa”?
Cho rằng bất kỳ vấn đề kinh doanh thương mại nào cũng cần được giải quyết thỏa đáng giữa các bên một cách công bằng trên cơ sở pháp luật, Công ty TNHH T&T Invenmark (Invenmark), đại diện pháp lý cho Sumatra đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản ứng các hành vi của Vinataba và cho rằng những tố cáo sai sự thật của Vinataba đang gây mất uy tín cho phía Sumatra.
Theo quan điểm của Invenmark, Sumatra là doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực, trong đó có thuốc lá “JET & hình”, “HERO và hình” rất thành công, trở thành thương hiệu nổi tiếng và được cấp bằng độc quyền tại 108 quốc gia, riêng ở Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp 67 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 2 loại này từ năm 1990.
Lý giải vì sao đăng ký nhưng 5 năm không sử dụng, phía Sumatra cho rằng, sau khi được cấp Giấy chứng nhận độc quyền cho 2 nhãn hiệu nói trên, dù rất mong muốn được đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhưng theo Nghị định 119/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Việt Nam đang có chính sách hạn chế sản xuất thuốc lá.
Vì thế, Sumatra mới chỉ kinh doanh tại Việt Nam thông qua việc bán thuốc lá điếu mang nhãn hiệu JET và HERO qua việc ký hợp đồng bán cho một số công ty sở hữu vốn nhà nước của Việt Nam để phục vụ người dân tại các cửa hàng miễn thuế ở các cửa khẩu và sân bay quốc tế.
Để minh chứng cho ý thức tuân thủ pháp luật về SHTT tại Việt Nam, Invenmark dẫn chứng thêm rằng, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại trực thuộc Bộ Công Thương cũng đã xác nhận trong Văn bản số 03 ngày 6/1/2016 và Công văn số 815 ngày 31/12/2015 về việc nhãn hiệu HERO và JET được chính chủ sở hữu là Sumatra đã sử dụng hợp pháp tại Việt Nam đối với các sản phẩm thuốc lá điếu.
“Vinataba nói các sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu JET và HERO hiện đang có mặt bất hợp pháp tại Việt Nam là của Sumatra là hoàn toàn sai sự thật. Suamatra không nhập khẩu trái phép và cũng không cho phép các bên khác nhập khẩu trái phép thuốc lá JET và HERO vào Việt Nam. Từ trước tới nay, Sumatra chưa bao giờ bị các cơ quan chức năng của Việt Nam nhắc nhở hoặc bị xử lý vì hành vi buôn lậu hay làm hàng giả”, TS Lê Xuân Thao - Giám đốc Invenmark khẳng định.
Không thỏa đáng, sẽ khởi kiện
Việc Vinataba thông báo là đã đăng ký nhãn hiệu JET và HERO tại Cục SHTT và có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam, Invenmark cho rằng trong khi 2 nhãn hiệu này đang thuộc quyền sở hữu của Sumatra thì việc một tổng công ty thuộc sở hữu nhà nước của Việt Nam là Vinataba đăng ký nhãn hiệu trùng lặp như vậy thể hiện sự kinh doanh không lành mạnh, vi phạm quyền SHTT.
Ông Thao còn nói, việc lên kế hoạch sản xuất thuốc lá JET và HERO tại Việt Nam mà không được sự cho phép của Sumatra là vi phạm nghiêm trọng điều 10bis Công ước Paris về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và Điều 213 Luật SHTT. Căn cứ pháp luật hiện hành, họ có quyền khiếu nại khi bị vi phạm.
Đại diện pháp lý cho Sumatra nói Việt Nam và Indonesia, quốc gia sở tại của người nộp đơn đều là thành viên của Công ước Paris, đều đã cam kết thực hiện các nội dung và mục tiêu của Công ước, trong đó có nguyên tắc hàng đầu là mỗi nước thành viên phải dành cho công dân của các nước thành viên khác sự bảo hộ tương tự như sự bảo hộ cho công dân của mình.
Quy định về chế độ đối xử quốc gia được đặt ra không chỉ nhằm bảo đảm quyền của người nước ngoài được bảo hộ mà còn bảo đảm rằng họ không bị phân biệt đối xử theo bất kỳ cách nào liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
“Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào cộng đồng kinh tế toàn cầu với việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước trên thế giới, Hiệp định TRIPs của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do vậy, bất kỳ vấn đề kinh doanh thương mại nào cần được giải quyết thỏa đáng giữa các bên một cách công bằng trên cơ sở pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, nhất là trong lĩnh vực SHTT” - Giám đốc Invenmark nói.
Được biết, Cục SHTT cũng đã thông báo cho phía Sumatra về đề nghị đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực đối với các nhãn hiệu JET và HERO nêu trên của Vinataba, và hiện đang trong giai đoạn gia hạn chờ phía Sumatra đưa ra ý kiến về các đề nghị của Vinataba trước khi Cục SHTT đưa ra quyết định là có ủng hộ Vinataba trong việc giải quyết các đề nghị hủy bỏ, đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu JET và HERO của Sumatra hay không. Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị căn cứ Luật SHTT để xem xét việc tuân thủ pháp luật của Sumatra tại Việt Nam liên quan tới các nhãn hiệu thuốc lá nói trên.
Vi phạm nghiêm trọng Công ước Paris?
“Theo TS. Lê Xuân Thao - Giám đốc Invenmark (đại diện pháp lý cho Sumatra), việc lên kế hoạch sản xuất thuốc lá JET và HERO tại Việt Nam mà không được sự cho phép của Sumatra là vi phạm nghiêm trọng Điều 10bis Công ước Paris về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ. Căn cứ pháp luật hiện hành thì họ có quyền khiếu nại khi bị vi phạm”.
Theo PHI HÙNG - ĐỨC SƠN
Báo Pháp Luật Việt Nam