Nếu tính cả Vietlott, 6 tháng đầu năm 11 doanh nghiệp kinh doanh xổ số mang về hơn 16.205 tỷ đồng doanh thu và 2.805 tỷ đồng lợi nhuận. Một loạt doanh nghiệp kinh doanh xổ số truyền thống bị sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
Gay cấn cuộc chiến giành thương hiệu thuốc lá
- Cập nhật : 11/03/2016
(Tin Kinh Te)
Cục Sở hữu trí tuệ đã đình chỉ 45 nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam.
Ngày hôm qua (10/3), Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã đăng trên website của mình thông tin chính thức về việc “Vinataba đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam”.
Thông tin này đang làm dấy lên nhiều tranh luận khá gay gắt.
Vinataba khẳng định đúng luật
Trong thông báo trên, Vinataba nêu quan điểm: “Để bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia và người tiêu dùng tại Việt Nam, Vinataba đã tiến hành nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu Jet và Hero tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam”.
Vinataba cũng cho rằng việc đăng ký hai nhãn hiệu này cho Vinataba và hủy bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu với Công ty Sumatra (Indonesia) là dựa theo đúng điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009 và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Cũng theo Vinataba, việc yêu cầu đình chỉ/hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu Jet và Hero của Sumatra và tự nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Jet và Hero dưới tên Vinataba chỉ nhằm mục đích hủy bỏ sự bảo hộ về pháp luật đã cấp trước đây cho Sumatra liên quan đến các nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam; ngăn chặn việc Sumatra lợi dụng sự bảo hộ pháp lý này để che giấu hoặc tiếp tay cho hành vi nhập lậu sản phẩm thuốc lá Jet và Hero vào Việt Nam.
Vinataba cũng cho biết trước thực tế tình hình và đề nghị của Vinataba, ngày 25-1-2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành 45 quyết định đình chỉ hiệu lực 45 nhãn hiệu Jet và Hero với lý do các nhãn hiệu này không được sử dụng tại Việt Nam trong vòng năm năm liên tục.
Trong 45 nhãn hiệu bị đình chỉ có đến 41 nhãn hiệu Jet và Hero được đăng ký dùng cho các sản phẩm không liên quan đến thuốc lá. Ví dụ như cồn, giấy nhóm lửa, bao thuốc lá, gạt tàn, thậm chí cả những sản phẩm như đồng hồ, trang sức, đá quý, chuông...
Thông tin của Vinataba cũng nói rằng “Việc đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu này là một bước tiến quan trọng của Vinataba trong vụ việc trên, góp phần thúc đẩy việc tiếp tục xem xét và đình chỉ/hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu Jet và Hero còn lại của Sumatra”.
Không thể “giành” được?
Theo thông tin từ thư viện sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì Sumatra hiện có 150 đơn đăng ký liên quan đến hai nhãn hiệu Jet và Hero. Mỗi đơn lại đăng ký sử dụng cho các loại sản phẩm khác nhau. Trong số 150 đơn đó chỉ có 32 đơn sử dụng nhãn hiệu Jet, Hero dùng cho thuốc lá. Sumatra được cấp 25 bằng bảo hộ nhãn hiệu Jet và Hero cho thuốc lá, nhiều đơn còn hiệu lực đến năm 2018, 2020...
Theo bản tin đăng trên website của mình, Vinataba dẫn chiếu Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ để nói về việc đình chỉ 45 nhãn hiệu Jet, Hero. Theo điều này, “nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng” thì bị chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.
Tuy nhiên, vấn đề với thuốc lá Jet và Hero thì không thể áp dụng quy định trên để chấm dứt bảo hộ.
Luật sư Nguyễn Thanh Long, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, khẳng định Điều 95 trên chỉ áp dụng nếu chủ nhãn hiệu “không có lý do chính đáng”. Trong khi đó việc thuốc lá mang nhãn hiệu Jet, Hero nói riêng và các loại thuốc lá khác đã bị Việt Nam cấm nhập khẩu. Việc cấm nhập khẩu này được xem là tình huống bất khả kháng với doanh nghiệp chứ không phải họ không muốn sử dụng nhãn hiệu này tại Việt Nam.
“Điều này được quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nếu chúng ta không tuân thủ thì Sumatra có thể kiện và thiệt hại uy tín rất lớn” - ông Long nói.
Sumatra phản đối Vinataba
Công ty Sumatra (Indonesia) vừa có văn bản phản đối việc Vinataba có ý định sản xuất hai loại thuốc lá Jet và Hero tại Việt Nam vì đây là thương hiệu của họ.
Cụ thể, theo văn bản của Sumatra được Hội Luật gia Việt Nam gửi đến các bộ, ngành thì công ty trên khẳng định họ đang bán hai sản phẩm trên cho các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Cổ phần Dịch vụ sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty Thế Kỷ Vàng... để bán thuốc này ở các sân bay và các nhãn hiệu này không phải tác nhân gây ra tình trạng buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam. Sumatra cũng cho rằng họ cũng muốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện vì Việt Nam có chính sách hạn chế sản xuất thuốc lá.
Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo không cấp quyền sở hữu nhãn hiệu Jet và Hero cho Vinataba và đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo dừng lập kế hoạch sản xuất thuốc lá Jet và Hero để tránh bị kiện ra tòa quốc tế, ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam.
Cuộc chiến 20 năm trước
Luật sư Đặng Thế Đức, Công ty Luật Indochine Counsel, người từng đảm nhận xử lý vụ tranh chấp giữa Sumatra và một tỉ phú Thái Lan trong “cuộc chiến” giành quyền đối với nhãn hiệu thuốc lá Jet, kể lại rằng cách đây 20 năm Sumatra đã đăng ký nhãn hiệu này tại Việt Nam.
Cùng lúc lại có một tỉ phú Thái Lan thông qua nhà sản xuất thuốc lá tại Campuchia cũng đăng ký. Ông cùng một cộng sự làm cật lực để đưa ra hàng trăm trang bằng chứng về việc Sumatra sản xuất, bán thuốc lá Jet tại Việt Nam trước và nhiều hơn, danh tiếng hơn. Cuối cùng thì Sumatra đã thắng và được độc quyền sử dụng nhãn hiệu này tại Việt Nam, gia hạn tiếp suốt 20 năm qua.
Theo Plo.vn