Tham gia ngành ngân hàng 20 năm với bằng thạc sĩ kinh doanh, ông Phạm Quyết Thắng từng giữ nhiều vị trí cốt cán tại VP Bank và GP Bank.
Đòi sản xuất Jet, Hero, Vinataba nguy cơ vướng kiện tụng quốc tế
- Cập nhật : 11/03/2016
(Tin Kinh Te)
Theo các chuyên gia pháp luật, Việt Nam và Indonesia đều là thành viên Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu Jet và Hero có thể được đăng ký quốc tế.
Câu chuyện Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) muốn đăng ký hai nhãn hiệu Jet, Hero và yêu cầu hủy bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu với Công ty STTC (Indonesia) đã khiến nhiều người không khỏi thắc mắc cơ sở pháp lý mà Vinataba đưa ra liệu có đúng Luật sở hữu trí tuệ và phù hợp với các công ước quốc tế?
Có 2 vấn đề pháp lý được đặt ra trong câu chuyện trên: hủy bỏ văn bằng bảo hộ đối với 2 nhãn hiệu Jet và Hero có đúng luật và Vinataba đăng ký 2 nhãn hiệu trên có được hay không?
Muốn đề nghị hủy bảo hộ, Vinataba phải chứng minh
Công ty Sumatra là chủ nhãn hiệu Jet và Hero, các nhãn hiệu này đã được đăng ký văn bằng bảo hộ tại Việt Nam từ những năm 1990 đến nay.
Trong đó có khoảng 250 nhãn hiệu hình và chữ có yếu tố chữ “Hero” và “Jet”. Công ty Sumatra cũng yêu cầu bảo hộ cho không chỉ thuốc lá, mà các nhãn hiệu này còn được yêu cầu bảo hộ cho rất nhiều nhóm hàng hóa khác nhau.
Vì nhiều nguyên nhân mà Sumatra không duy trì sử dụng 2 nhãn hiệu này liên tục trong nhiều năm. Chính điều này là cơ sở để Vinataba có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) hủy bỏ bảo hộ.
Cục SHTT ngày 25-1-2016 đã ban hành 45 quyết định đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ các nhãn hiệu trên.
Tiến sĩ, luật sư Lê Nết - Công ty Luật LNT& Partner - nhận định: việc Công ty Vinataba yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là có căn cứ, cả theo Luật SHTT Việt Nam và Công ước Paris mà Việt Nam, Indonesia đều là thành viên.
Công ước Paris quy định nếu tại bất kỳ nước nào mà việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký là bắt buộc, thì việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chỉ bị hủy bỏ sau một thời gian hợp lý, và chỉ khi mà người có liên quan không biện hộ được việc không sử dụng của mình.
Còn theo Luật SHTT 2005, sửa đổi 2009, tại các điều 95 (điểm d, khoản 1), điều 96 (khoản) cho phép cá nhân, tổ chức được quyền yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ văn bằng bảo hộ nếu nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn 5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng.
Trong trường hợp này, Vinataba cho rằng Sumatra lợi dụng sự bảo hộ pháp lý này để che giấu hoặc tiếp tay cho hành vi nhập lậu sản phẩm thuốc lá Jet và Hero vào Việt Nam.
Nếu Vinataba có chứng cứ chứng minh được yêu cầu của mình rằng: 2 nhãn hiệu Jet và Hero đã không sử dụng liên tục 5 năm và việc đăng ký không trung thực thì việc Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ 2 nhãn hiệu trên là có cơ sở.
Theo quy định, trước khi Cục SHTT ra quyết định chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ với nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero thì cục phải thông báo bằng văn bản cho chủ văn bằng bảo hộ (Công ty Sumatra) về ý kiến của phía Công ty Vinataba trong thời hạn là 2 tháng để bên Công ty STTC có ý kiến.
Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, Cục SHTT ra quyết định chấm dứt, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 4 điều 95 và khoản 4 điều 96 của Luật SHTT.
Trường hợp nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero được đăng ký quốc tế thì Cục SHTT phải thông báo nội dung yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ cho chủ nhãn hiệu (Công ty Sumatra) thông qua văn phòng quốc tế, trong đó ấn định thời hạn là 3 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ nhãn hiệu có ý kiến.
Quyết định chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu được gửi cho văn phòng quốc tế để thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định tương ứng.
Nếu không đồng ý với nội dung quyết định xử lý yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của Cục SHTT, người yêu cầu hoặc bên liên quan có quyền khiếu nại.
Không khéo sẽ vướng kiện tụng quốc tế
Tuy nhiên, việc Vinataba có kế hoạch sản xuất thuốc lá với 2 nhãn hiệu Jet và Hero và đăng ký đối với 2 nhãn hiệu trên tại Việt Nam thì tiến sĩ Lê Nết cho rằng cần xem xét lại cơ sở pháp lý.
Theo ông Nết, sau khi có quyết định hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, theo quy định phải mất một thời gian để chủ nhãn hiệu bị hủy bỏ văn bằng bảo hộ thực hiện khiếu nại và giải quyết khiếu nại cũng như hoàn tất các thủ tục liên quan.
Sau khi hoàn tất việc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ với 2 nhãn hiệu Jet và Hero tại Việt Nam thì bất cứ cá nhân, tổ chức nào tại Việt Nam cũng có quyền sản xuất thuốc lá gắn với 2 nhãn hiệu ấy.
Bởi lẽ lúc này, 2 nhãn hiệu trên vô chủ, ai cũng có quyền sử dụng. Đó là lý do mà Vinataba đăng ký sở hữu với 2 nhãn hiệu trên nhằm độc quyền sử dụng.
Theo tiến sĩ Lê Minh Hùng - Đại học Luật TP.HCM, việc Vinataba đăng ký để sở hữu 2 nhãn hiệu trên là không khả thi.
Tại Việt Nam, quá trình đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với một nhãn hiệu có thể kéo dài đến 18 tháng, trải qua hai giai đoạn chính là xét nghiệm hình thức và xét nghiệm nội dung.
Trong khi các doanh nghiệp thường không thể đợi cho đến khi xác lập được quyền sở hữu rồi mới đưa sản phẩm ra thị trường.
Do vậy, các doanh nghiệp có thể vận dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên để đảm bảo việc xác lập quyền của mình bằng cách nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu vào thời điểm sớm nhất có thể.
Nên dù hai nhãn hiệu Jet và Hero có bị hủy đi nữa thì Vinataba muốn đăng ký đối với hai nhãn hiệu đó phải tuân thủ các trường hợp quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu ở điều 87 Luật SHTT.
Việt Nam và Indonesia đều là thành viên Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Nhãn hiệu Jet và Hero có thể được đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
Trong khi sự việc giải quyết hủy bỏ đối với 2 nhãn hiệu trên còn chưa ngã ngũ vì Công ty Sumatra còn đang phản đối mà Công ty Vinataba lên kế hoạch sản xuất thuốc lá với 2 nhãn hiệu trên và Cục SHTT đang xem xét cấp quyền sở hữu 2 nhãn hiệu trên cho Vinataba không khéo sẽ vướng kiện tụng ra tòa quốc tế.
Theo Tuổi Trẻ