tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tội phạm tham nhũng: Không cần xử tử, chỉ nhốt lồng cho… xấu hổ

  • Cập nhật : 27/08/2015

(Tin kinh te)

Đồng ý quan điểm bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh, đại biểu Quốc hội Lê Nam lấy ví dụ với các tội tham nhũng, nên đổi mới việc áp dụng hình phạt, “không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà vợ nuôi cho đủ… xấu hổ”.

dai bieu tran van do - nguyen pho chanh an tand toi cao, chanh an toa an quan su tu.

Đại biểu Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án tòa án quân sự TƯ.

 

Giữ hay bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh (7/22 tội danh còn quy định hình phạt tử hình hiện nay) vẫn là vấn đề nhận nhiều tranh luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi ngày 26/8.

Với quan điểm đổi mới trong áp dụng hình phạt, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng hình phạt kiểu như đánh roi của Singapore sẽ hiệu quả trong tình hình hiện nay. “Đánh roi rất đơn giản và xã hội ta đang cần phải đánh roi” – ông Nam phát biểu.

Theo ông Nam, thậm chí cần những hình phạt “hơn thế nữa”. Đại biểu dẫn chứng với tội phạm tham nhũng, “không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà cho vợ nuôi cho đủ… xấu hổ” và nhấn mạnh, theo quan điểm của ông, đó không phải là nhục hình.

Về tội tham nhũng, dự thảo Bộ luật đưa ra quy định, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn cũng được xem xét không áp dụng án tử hình.

Chia sẻ quan điểm với ông Nam, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang – nguyên Phó Chánh án TAND tối cao) nhận định, quy định hình phạt tử hình từ lâu nhưng áp dụng không bao nhiêu. Trong khi đó tài sản tham ô, tham nhũng thu hồi được rất ít. Do đó nếu có biện pháp thu hồi tài sản sẽ tốt hơn rất nhiều việc tử hình.

“Tháng 7/2014 Nga có sắc lệnh quy định trước khi khởi tố người tham nhũng tự giác nhận khắc phục cơ bản tài sản thì không bị xử lý hình sự. Nếu phát hiện, khởi tố mà nộp phần lớn hoặc toàn bộ thì coi đó là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Họ nói với tôi từ khi có sắc lệnh mới tài sản thu hồi tăng gấp 5 lần. Do đó ta nên ủng hộ việc khắc phục cơ bản để giảm tử hình mà không nên quan niệm nặng nề rằng dùng tiền mua án” - ông Trần Văn Độ đề nghị.

Nói chung về vấn đề giữ hay bỏ hình phạt tử hình, ông Độ cho rằng, ngoài 7 tội danh đề xuất còn có thể bỏ thêm hình phạt tử hình ở nhiều tội hơn vì thực tế không áp dụng bao giờ, tính răn đe không cao.

Có tội bỏ tử hình người dân chưa đồng tình nhưng là người có nhiều năm nghiên cứu luật hình sự, tôi cho rằng không phải cứ áp dụng hình phạt tử hình thì giảm tội phạm. Tử hình có tác dụng răn đe không nhiều.

Dẫn chứng qua thực tế xét xử các vụ án hình sự có hình phạt tử hình, đại biểu Độ cho biết nhiều bị cáo khi được hỏi có nghĩ sẽ bị tử hình nếu phạm tội không thì trả lời rằng không nghĩ gì. Với tội phạm ma tuý thì đối tượng nghĩ vận chuyển trái phép một bánh cũng bị tử hình rồi thì 1.000 bánh cũng vậy.

Cũng theo ông Độ, có thời gian chủ trường cho toà tối cao và toà quân sự cấp cao xử lý nhanh, nghiêm đối với tội cướp có giết người, lực lượng công an gặp khó khăn khi đối tượng chống trả rất quyết liệt, lần sau nguy hiểm hơn lần trước vì tư tưởng đằng nào cũng chết.

Đồng tình với những phân tích này, đại biểu Lê Nam cho rằng, có những vụ án ma túy tòa đã tuyên cùng lúc 30 án tử hình mà tội phạm cũng không vì thế mà giảm trongkhi 30 án tử hình thì gần như là… thảm sát. Đại biểu nhấn mạnh quan điểm, giết chết một con người, dù bằng hình thức nào, với mục đích gì cũng không phải là văn minh.

Từ góc nhìn khác, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng, nói mục đích của hình phạt là giáo dục cải tạo là sai, phải trừng trị đã, còn giáo dục cải tạo thì đã có nhiều thiết chế khác.

Đồng ý với quan điểm của đại biểu Độ là không phải cứ tăng tử hình là giảm tội phạm, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng trước mắt bỏ 7 tội như dự thảo luật là hợp lý, sau này nên giảm dần.

70 tuổi vẫn phải tử hình

Một vấn đề khác được đặt ra từ phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6 vừa qua), nhiều đại biểu Quốc hội đã phản đối mạnh mẽ quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên.

Một số ý kiến đề nghị không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thuộc các trường hợp: là nữ giới; người từ 75 hoặc 80 tuổi trở lên; là đối tượng chính sách; người mắc bệnh AIDS, ung thư giai đoạn cuối; người sau khi phạm tội đã mất hoàn toàn năng lực hành vi.

Cân nhắc ý kiến của đại biểu, dự thảo luật mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng: "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử".

Không đồng ý với việc bỏ hình phạt tử hình với người từ 70 tuổi trở lên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu lý do là những người này biết rất rõ hậu quả của hành vi phạm tội.

Theo ông Vinh, với tuổi này nếu được hưởng nhân đạo mà giảm án thì bên cạnh việc nhà nước phải bỏ tiền ra cai quản quản còn làm khổ cả con cháu thăm nuôi. Vì thế 70 tuổi mà phạm tội đáng phải tử hình “thì chết là xứng đáng”.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc bỏ đi nhiều hình phạt tử hình không phải là biện pháp mà nên quy định dù chưa áp dụng trên thực tế nhưng tương lai có thể áp dụng.

Ông Thường đề xuất, nên quy định còn quan trọng là áp dụng trong xét xử như thế nào. Tại sao không xử ít tử hình trong vụ án cụ thể mà lại bỏ đi đối với tội có thể xảy ra trong tương lai? Bỏ tử hình với người trên 70 tuổi cũng không nên.

Đại biểu Lê Nam cũng chia sẻ: “Có đại biểu nói 70 tuổi trở lên thì bắn cho gọn, nhưng theo tôi thì quan trọng không phải là bắn”.

Ông Nam cũng “phê” nhiều quy định tại dự thảo bộ luật “chưa đủ độ” trong khi xã hội đang có rất nhiều vấn đề đang yêu cầu pháp luật điều chỉnh. “Chẳng hạn chống tham nhũng, tài sản bất minh thì giải quyết thế nào, luật phải quy định để những người kê khai không đến nơi đến chốn thì nhìn vào luật này điều chỉnh”, ông Nam nói.

(Tin kinh te)

Đồng ý quan điểm bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh, đại biểu Quốc hội Lê Nam lấy ví dụ với các tội tham nhũng, nên đổi mới việc áp dụng hình phạt, “không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà vợ nuôi cho đủ… xấu hổ”.

Trở về

Bài cùng chuyên mục