tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phạm Công Danh: Ông chủ ngân hàng nhưng không làm ngân hàng

  • Cập nhật : 09/09/2016

(Phap luat)

Phạm Công Danh bỏ tiền mua một ngân hàng âm vốn hàng nghìn tỷ với mục đích buôn bất động sản kiếm lời, nhưng tất cả không như dự tính. Vào ngân hàng mà không làm ngân hàng khiến đại gia xây dựng không chỉ rơi vào vòng lao lý một mình mà còn kéo theo 35 người khác.

Phạm Công Danh bắt đầu nghiệp kinh doanh với nền tảng của gia đình là nghề bán vật liệu xây dựng. Sau khi công ty của gia đình là hãng Gạch bông Hương Sơn phá sản, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông Danh mở một cửa hàng vật liệu xây dựng nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt, Q.10, Tp. Hồ Chí Minh. Với kinh nghiệm sẵn có cùng khả năng nhìn nhận nhạy bén, sau nhiều năm, ông Danh nâng tầm cửa hàng của mình thành một công ty lớn - Tập đoàn Thiên Thanh.

Lúc này, công ty của Phạm Công Danh không chỉ cung cấp vật liệu xây dựng mà còn tham gia trực tiếp vào nhiều dự án kinh doanh trên các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, du lịch... Đến năm 2008, công ty đã có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó ông Danh giữ 80% cổ phần và 20% còn lại đứng tên vợ.

Bắt đầu “có tiếng” trên thị trường bất động sản, ông Danh lại khát khao làm giàu hơn nữa và mơ có riêng một ngân hàng phục vụ cho các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực. Thế là ông manh nha ý định xin thành lập ngân hàng xây dựng nhưng bị từ chối. Với người khác thì có thể gọi là vận may đến, nhưng với Phạm Công Danh thì lại là vận rủi bắt đầu.

Năm 2012 ông Danh gặp Hà Văn Thắm - Chủ tịch của Ngân hàng Đại Dương lúc bấy giờ. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã biến ông Thắm – lẽ ra là người mua - trở thành người “mai mối” để Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) từ bà Hứa Thị Phấn.

Sau khi được mai mối, Phạm Công Danh đã trả tiền môi giới cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng và nhanh chóng ký thỏa thuận với bà Phấn để nhận bàn giao ngân hàng vào tháng 6/2012. Tại thời điểm đó, Phạm Công Danh biết ngân hàng đang thua lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 2.800 tỷ.

Quyết định “chinh chiến” mảng ngân hàng trong vai trò đi tái cơ cấu TrustBank – 1 trong 9 ngân hàng yếu kém - Phạm Công Danh thừa nhận rằng bản thân mình không có hiểu biết gì về lĩnh vực này. Khi chấp nhận bỏ ra hơn 4.600 tỷ đồng để mua lại gần 85% cổ phần TrustBank từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn đại diện (mà thực chất là mua quyền trả nợ thay nhóm này), Phạm Công Danh nhắm vào phần bất động sản.

Ông này tính toán, sau khi lấy được phần bất động sản mà nhóm Phú Mỹ đã thế chấp ở ngân hàng bằng việc trả thay khoản nợ kia, Danh sẽ bán phần đất đó, không những trả được hết nợ mà còn có lãi khoảng 700 tỷ đồng.

Nhưng mọi thứ đã không như dự liệu. Sau khi đã trả nợ thay cho bà Phấn được 3.600 tỷ đồng, Phạm Công Danh lại không lấy được hết các bất động sản để bán. Lý do là bởi các doanh nghiệp mà bà Phấn nói rằng bà đại diện không đồng ý giao tài sản. Trong khi đó, khoản tiền 3.600 tỷ đồng lại không phải tiền túi bỏ ra, mà là đi vay của ngân hàng Xây dựng và cha con ông Trần Quý Thanh – ông chủ của Tân Hiệp Phát. Vì trót vay tiền lại không có nguồn để trả nợ, Phạm Công Danh tiếp tục phải đi vay, khoản vay sau trả cho khoản vay trước và mang nợ với nhóm Trần Ngọc Bích cùng khoản tiền lãi phải trả hàng nghìn tỷ đồng.

Khi được hỏi vì sao ngân hàng xấu như vậy mà vẫn “lao vào”, Phạm Công Danh nói rằng đã tính toán bằng việc bù đắp vốn điều lệ, sẽ xử lý được nợ xấu vốn đang nằm gần như toàn bộ trong tay 2 nhóm nợ chính là Phú Mỹ và Phương Trang bằng cách bán các tài sản đảm bảo khi giá bất động sản tăng. Thực hiện như vậy, ông Danh tin rằng mọi thứ sẽ tốt lên, trong khi các doanh nghiệp xây dựng sẽ có được một ngân hàng chuyên ngành phục vụ họ. Thế là ông Danh nhanh chóng bắt tay vào “tái cấu trúc” ngân hàng, đổi tên TrustBank thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Biết rằng ngân hàng rất tệ vì đã âm vốn, nhưng Phạm Công Danh không ngờ nó lại xấu đến mức như vậy. Ngay khi vừa làm ngân hàng, tình hình thanh khoản của VNCB đã cạn kiệt, cạn đến mức “trợ thủ đắc lực” của ông Danh là Tổng giám đốc Phan Thành Mai từng nói, chỉ cần khách hàng rút 1-2 tỷ đã khó, có khách hàng cần rút 15 tỷ nhưng không thu xếp nổi, họ đến tận trụ sở xem ngân hàng có hoạt động hay không mà lại khó khăn đến vậy.

Không những thế, khi vừa vào ngân hàng, Phạm Công Danh còn phải trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản nợ xấu của 2 nhóm nợ theo kết luận của thanh tra tới hơn chục nghìn tỷ đồng. Khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Nhưng trót đâm lao thì phải theo lao, để trụ được, Phạm Công Danh đã nghĩ ra cách rút tiền ngân hàng để trả lãi ngoài nhằm thu hút khách đến gửi tiền. Cùng với đó, ngân hàng cũng phải tăng thêm vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu đã trình lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Tất cả các khoản này, cùng với những khoản “không giải thích nổi”, Phạm Công Danh đã chỉ đạo các nhân viên thực hiện hàng loạt phi vụ rút tiền thông qua việc lập hồ sơ khống nâng cấp corebanking, hồ sơ khống thuê trụ sở, ủy thác đầu tư trái quy định, nhờ người đứng tên công ty, làm hợp đồng khống để vay vốn, nâng giá trị tài sản đảm bảo lên gấp nhiều lần, chuyển tiền không có chữ ký của chủ tài khoản… tổng cộng lên đến hơn 12.000 tỷ đồng.

Riêng hoạt động ngân hàng, Phạm Công Danh huy động các khoản sau để trả cho khoản trước, dùng tiền rút ra từ VNCB để trả lãi ngoài mà không dùng tiền huy động để kinh doanh thương mại tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Chính vì không hồi phục được ngân hàng, không tạo ra lợi nhuận nên chỉ sau 6 tháng chuyển giao, tình hình VNCB bết bát hơn với khoản lỗ lũy kế cuối năm 2012 lên đến hơn 8.700 tỷ và vốn chủ sở hữu âm 5.700 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế tiếp tục tăng lên hơn 11.300 tỷ đồng còn vốn âm gần 8.300 tỷ, và đến thời điểm bị khởi tố là tháng 7/2014, VNCB đã bị âm vốn tới hơn 18.000 tỷ, nợ phải trả hơn 38.000 tỷ.

Phạm Công Danh đã gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng, nhưng Danh không thực hiện các hành vi sai trái một mình mà kéo theo đó là 35 người khác. Bên cạnh một số người biết việc làm là sai trái nhưng vẫn làm theo chỉ đạo, còn có nhiều người không biết việc làm sai trái của Phạm Công Danh và không được hưởng bất kỳ lợi ích nào, chỉ bởi lòng tin đặt trọn vào ông chủ của mình mà phải ra đứng trước vành móng ngựa. Dù được luật pháp khoan hồng với các trường hợp bị ép buộc làm theo chỉ đạo cấp trên, nhưng tất cả đều phải lãnh án, nhẹ thì án treo vài ba năm, nặng hơn thì đi tù năm bảy năm, thậm chí hơn chục năm.

Sau hơn 40 ngày xử án và 10 ngày nghị án, kéo dài từ 19/7 cho tới ngày 9/9, phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm đã khiến người ta phải giật mình khi nhìn lại tất cả. Bất cứ ai, từ chủ tịch Hội đồng quản trị cho đến tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, giám đốc chi nhánh cho đến nhân viên bảo vệ, lái xe đều có thể bị rủi ro nếu như làm không đúng trách nhiệm hoặc không nắm vững về chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục