(Tin kinh te)
Luật Căn cước công dân (CCCD) đã bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 và có sự thay đổi lớn liên quan đến cuộc đời của mỗi người dân. Luật có nhiều nội dung đáng chú ý người dân cần phải biết.
CMND 9 số, 12 số và thẻ Căn cước công dân khác nhau về tên gọi, còn giá trị sử dụng thì tương đương.
Theo Luật căn cước, Thẻ căn cước công dân có gắn mã số định danh cá nhân (mã số công dân) sẽ được Nhà nước cấp miễn phí lần đầu cho từng người dân. Trẻ từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân.
Thẻ phải được thay đổi mới vào các độ tuổi: 25, 40 và 60 tuổi. Ở những mốc tuổi này, công dân khi đổi thẻ sẽ được miễn phí hoàn. Các trường hợp cấp đổi thẻ khác, công dân phải đóng lê phí.
Theo Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam gồm các thông tin: ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.
Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ, dấu của cơ quan cấp thẻ.
Thẻ căn cước công dân mặt trước và mặt sau
Công dân đến làm thẻ Căn cước công dân chỉ cần kê khai vào tờ khai cấp thẻ Căn cước công dân theo mẫu quy định mà không cần mang theo sổ hộ khẩu như hiện nay.
Trường hợp xin cấp lại thẻ, người đến làm thủ tục cũng chỉ cần điền vào tờ khai theo mẫu quy định mà không cần xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.
Thay thế cho nhiều giấy tờ quan trọng
Điều 20 Luật căn cước công dân khẳng định rõ giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân. Theo đó, thẻ Căn cước công dân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ căn cước thay thế các giấy tờ công dân được sử dụng từ trước đến nay như: số hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, sổ bảo hiểm xã hội,... Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.
Thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Đối với Chứng minh thư nhân dân được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân. Dự kiến chậm nhất từ ngày 1/1/2020, việc cấp thẻ căn cước công dân được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lưu trữ những thông tin gì về công dân mà Thẻ căn cước có thể tra cứu ?
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quản lý tập trung, thống nhất và xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật gồm:
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh.
- Ngày, tháng, năm sinh.
- Giới tính.
- Nơi đăng ký khai sinh.
- Quê quán.
- Dân tộc.
-Tôn giáo.
- Quốc tịch.
- Tình trạng hôn nhân.
- Nơi thường trú.
-Nơi ở hiện tại.
-Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó.
- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp.
- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ.
- Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
L. Thanh
Theo Plo.vn